Liên quan đến việc Tập đoàn Central Group - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam đã có thư gửi các đối tác tại Việt Nam, thông báo về việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019, cho đến khi có thông báo mới.

Chiều qua (3/7), Big C Việt Nam đã có thông tin khẳng định, việc dừng các đơn đặt hàng may mặc chỉ là tạm thời, Big C Việt Nam không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam. Tuy vậy, thông tin Big C ngừng nhập mặt hàng dệt may từ doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải sự phản ứng từ các doanh nghiệp dệt may cũng như của dư luận.

big_c_gajk.jpg
Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019.

Việc ngừng đặt hàng tạm thời được Tập đoàn CenTral Group lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group tại Thái Lan. Thông báo của Big C chỉ áp dụng đối với một số nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam. Big C không hoàn toàn dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ tất cả các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Về sự việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Big C cần giải thích rõ nguyên nhân vì sao từ chối nhập hàng dệt may Việt Nam: “Doanh nghiệp lâu nay cung cấp hàng may mặc cho siêu thị mà bị từ chối thì điều này ảnh hướng đến việc sản xuất của doanh nghiệp. Việc siêu thị ngừng nhập hàng thì phải có lý do chính đáng. Ví dụ, bên cung cấp vi phạm hợp đồng nhưng nếu chưa có lý do gì mà đơn phương ngừng thì sẽ vi phạm về hợp đồng kinh tế, bên cung ứng có quyền đưa việc này ra giải quyết”.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, tất cả cần phải được nhìn nhận trên cơ sở pháp lý. Việc đưa ra những quyết định đột ngột sẽ tạo cú sốc, suy giảm lòng tin, đặc biệt trong việc liên kết. Vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng nên rà soát cơ sở pháp lý, nhất là điều kiện xung quanh việc mua bán, chuyển sở hữu cho nước ngoài những hệ thông phân phối uy tín theo hướng đảm bảo kinh doanh ổn định, không có sự phân biệt đối xử.

 “Bất kỳ hình thức nào cũng phải hướng đến việc ưu tiên bán hàng được người tiêu dùng lựa chọn, chúng ta có thể tự tin và bình tĩnh, dù Thái Lan họ muốn bán hàng ở nước khác thì không phải do chủ quan của họ, nếu hàng đó chất lượng thấp giá cả cao, không hợp với người Việt Nam thì không được chấp nhận. Hàng Việt bán ở đâu mà giá cả tốt, chất lượng tốt thì sẽ thu hút khách hàng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết./.