Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trình lên cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó sẽ mời chuyên gia tham vấn và công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Theo nội dung Bản đề án, sẽ có 3 kịch bản cho Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt: Một là, vẫn giữ nguyên phương án ban đầu là để biểu giá gồm 6 bậc thang như hiện hành. Hai là, bỏ biểu giá điện bậc thang để thống nhất một mức giá chung 1.747 đồng/kWh (tính ở thời điểm hiện tại); Và ba là, xây dựng lại theo tiêu chí giảm bớt số bậc thang hiện hành (thay vì 6 bậc như hiện nay, sẽ đưa ra các phương án 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc để người tiêu dùng lựa chọn).

Đối với phương án giữ nguyên theo Biểu giá ban đầu chắc chắn sẽ bị loại bỏ, nhưng nếu áp dụng Biểu giá điện bậc thang để thống nhất một mức giá chung sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra với con số 1.747 đồng/kWh, rằng vì sao không phải là con số khác, khi quyết định phê duyệt giá điện hồi tháng 3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy đinh mức giá chỉ là 1.622,05 đồng/kWh.

 

dienlucjpg1434512425_tenz.jpg
Biểu giá điện mới sẽ được công khai tham khảo ý kiến của người dân và các chuyên gia. (Ảnh minh họa: KT)
Theo GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam phân tích, con số 1.622,05 đồng là mức giá 1kWh điện bình quân, còn 1.747 đồng là dự tính cho riêng giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính ở thời điểm hiện tại.

“Về nguyên tắc, cho dù có tổ chức sắp xếp Biểu giá điện bậc thang như thế nào nhưng tổng doanh thu của EVN từ việc bán lẻ điện cho sinh hoạt cũng không thay đổi. Doanh thu được tính bằng lượng điện dùng cho sinh hoạt nhân với giá điện trung bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế cho nên, đối với EVN việc có bao nhiêu bậc thang cũng không ảnh hưởng gì đến doanh thu”, GS. Trần Đình Long chỉ rõ.

Còn theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cách tính giá điện theo một bậc cũng có những ưu điểm nhất định. Khi đó cách tính tiền điện sẽ đơn giản hơn, đồng thời, sẽ giải quyết được việc mỗi khi có điều chỉnh giá điện sẽ đảm bảo không có chuyện thắc mắc về việc ghi chỉ số sớm hay muộn hay nghi ngờ việc dồn chỉ số…

“Tuy nhiên, với tình hình cung cấp điện cũng như sử dụng điện của ta hiện nay, tôi nghĩ nếu đưa về một giá điện sẽ không khuyến khích được việc tiết kiệm điện. Mặc dù khi đưa điện về một giá, người dùng nhiều điện vẫn phải trả nhiều tiền, nhưng độ khuyến khích để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn sẽ không bằng so với giá điện tính theo bậc thang. Tuy nhiên việc áp dụng tới 6 bậc thang thì hiện nay đúng là hơi nhiều, mặc dù trên thế giới có những nước vẫn áp dụng đến 8-10 bậc”, ông Phúc phân tích.

Cho rằng việc tính giá điện theo Biểu giá bậc thang là hợp lý, tuy nhiên ông Phúc cũng chỉ rõ cần phải tỉnh toán độ giãn cách giữa các bậc thang là bao nhiêu thì hợp lý và bao nhiêu bậc thang thì là hợp lý.

“Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu EVN phải có đánh giá cụ thể từ tình hình thực tế, đồng thời thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ đó soạn thảo ra các phương án để lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các doanh nghiệp, các nhà khoa học và quần chúng nhân dân, sau đó mới tập hợp và đưa ra Biểu giá bán điện hợp lý”, ông Phúc nêu giải pháp.

Có thể thấy rõ, với cách tính giá điện 6 bậc như hiện hành đang gặp phải những bất cập, khoảng cách chênh lệch giữa các bậc thang dẫn đến lượng tiền phải trả quá cao cho nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân.

Tham vấn cho vấn đền này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, dù có áp dụng phương án gì thì cũng phải đảm bảo được hai yêu cầu: Trước hết là phải có lợi cho nhân dân (đặc biệt là những người nghèo, người thu nhập thấp, người thu nhập trung bình). Thứ hai là không ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của EVN. Vì những yếu tố này, nên tính toán cân nhắc để Biểu giá điện bán lẻ điện sinh hoạt theo 3 bậc thang là phù hợp.

Qua tham khảo ý kiến, cũng có nhiều quan điểm đồng thuận với phương án biểu giá gồm 5 bậc thang, theo lũy tiến 100kWh/bậc để vừa hỗ trợ hộ thu nhập thấp, vừa dễ kiểm soát, lại đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả./.