Hôm nay (19/5), Trung Quốc chính thức áp các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tới hơn 80% lên lúa mạch của Australia trong thời hạn 5 năm. Australia thất vọng trước quyết định này và sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo. Chính phủ nước này đang nỗ lực tìm bạn hàng mới để giúp người nông dân Australia có thể tiếp tục bán lúa mạch ra thị trường nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn báo chí Australia vào sáng 19/5, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, Australia “thất vọng sâu sắc” trước quyết định của Trung Quốc và khẳng định, quyết định áp thuế chống bán phá giá lên lúa mạch Australia gây thiệt hại cho cả hai bên.

“Quyết định này tác động mạnh tới những người nông dân trồng lúa mạch của Australia do Trung Quốc là thị trường quan trọng. Tuy vậy, quyết định này không chỉ ảnh hưởng tới những người nông dân Austarlia mà còn tác động tới các nhà sản xuất bia và người tiêu dùng Trung Quốc, do hệ quả của quyết định này khiến họ phải trả tiền nhiều hơn để mua lúa mạch từ các quốc gia khác thay thế cho việc thiếu hụt hàng hóa từ Australia”, Bộ trưởng Simon Birmingham nói.

lm1_YFUQ.jpg
Lúa mạch là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực Australia xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: ABC Rural)

Quyết định áp các mức thuế chống bán phá giá lên tới hơn 80% vào lúa mạch Australia mà Trung Quốc đưa ra vào tối qua sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu khoảng 4,5 triệu tấn múa mạch với giá trị khoảng 600 triệu AUD vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, do Trung Quốc bắt đầu điều tra vụ việc này cách đây 18 tháng, nên người nông dân Australia đã có sự chuẩn bị khi bắt đầu tìm kiếm các thị trường thay thế và bắt đầu phải chấp nhận khả năng có thể bán lúa mạch với giá thấp hơn cho các quốc gia khác.

Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham khẳng định, chính phủ Australia sẽ cùng đồng hành với người dân nông dân để tìm thị trường mới cho lúa mạch của nước này.

“Trong những năm qua, người nông dân Australia đã thể hiện được khả năng thay đổi để thích ứng. Tôi cũng biết rằng mối đe dọa với người nông dân trong những năm tới sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch trồng lúa mạch năm nay. Tuy vậy, chúng ta sẽ cùng nỗ lực hơn nữa tại Trung Đông, Indonesia và những nơi khác để mở thêm thị trường cho những người nông dân Australia”, Bộ trưởng Simon Birmingham khẳng định.

Ông Mic Fels - một người nông dân trồng lúa mạch tại bang Tây Australia cho biết, 10 năm trước, Saudi Arabia là thị trường lớn nhất của lúa mạch Australia, nhưng từ khi Trung Quốc trả giá cao hơn nên các nhà sản xuất lúa mạch Australia đã nghiêng hẳn về thị trường Trung Quốc.

Ông Mic Fels, nông dân trồng lúa mạch tại bang Tây Australia đang tìm kiếm thị trường mới cho lúa mạch.

Ông Mic Fels cũng cho hay, trong bối cảnh Trung Quốc đánh thuế cao đối với lúa mạch Australia, những người nông dân nước này sẽ quay lại thị trường Saudi Arabia trong khi tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tại các trường sẵn có như Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Australia và Indonesia có hiệu lực vào tháng Bảy tới, người nông dân Australia hy vọng sẽ xuất thêm được nhiều lúa mạch sang quốc gia láng giềng Indonesia.  

Trước khi áp đặt thuế chống bán phá giá lên lúa mạch Australia, Trung Quốc đã cấm nhập thịt bò từ 4 lò mổ của Australia do không tuân thủ các quy định về nhãn mác. Quyết định này có thể làm giảm 1/3 lượng thịt bò Australia xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sau thịt bò, lúa mạch, những người nông dân Australia cũng đang lo ngại mặt hàng len, rượu vang Australia có thể là những mặt hàng phải tiếp theo gặp thêm khó khăn khi xuất sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới./.