Tại buổi họp Đảng bộ khối Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về phòng, chống dịch bệnh. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, xây dựng và ban hành hướng dẫn tuyên truyền đến các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị trong khối phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát dịch không để lây lan và bảo đảm phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, ổn định đời sống người lao động.

Nhiều doanh nghiệp trong khối đã chung tay góp sức ủng hộ kinh phí, sản xuất khẩu trang phát miễn phí để phòng chống dịch bệnh. Trong đó có những công ty đã được thành phố giao nhiệm vụ xây dựng các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến như Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội đang khẩn trương triển khai xây dựng 2 khu cách ly và bệnh viện dã chiến ở Sơn Tây. Đặc biệt một bệnh viện dã chiến do Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị  xây dựng đã hoàn thành, sắp đưa vào sử dụng với 250 giường bệnh phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

bithu1_cvzk.jpg
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ làm việc với các doanh nghiệp. (Ảnh: Hà Nội mới)

Ông Nguyễn Văn Luyến, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị cho biết: "Trong tháng 3 vừa qua Tổng công ty được Ủy ban giao nhiệm vụ xây dựng bệnh viện dã chiến ở Mê Linh. Trong 7 ngày làm việc vừa qua với lực lượng cán bộ công nhân viên từ 300-500 người, thì đến hôm nay bệnh viện dã chiến đã hoàn thành. Hôm nay thành phố nghiệm thu để bàn giao cho Sở y tế. Đây là một công trình khó khăn nhất từ trước đến giờ của công ty vì giai đoạn hiện nay mà huy động được 300 - 500 công nhân tại hiện trường".

Bên cạnh đó tại buổi làm việc cũng cho thấy tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp trong đó ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, du lịch, nhà hàng, dịch vụ, các công ty vận tải. Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng như điện lực cũng đã giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

Để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và doanh thu, nhiều doanh nghiệp đã có sáng kiến chuyển hướng, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển kênh phân phối từ trực tiếp sang bán hàng online, tập trung bảo hành, bảo dưỡng, củng cố cơ sở vật chất để sẵn sàng sản xuất khi đẩy lùi dịch bệnh. Để giảm bớt khó khăn, các doanh các doanh nghiệp đề nghị thành phố Hà Nội sớm thực hiện 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và xã hội như giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội, cho vay không lãi suất để tạm ứng lương cho người lao động…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm phải nghỉ, doanh nghiệp tự lo 50% để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động theo Luật lao động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho ân hạn, chưa phải trả gốc và lãi các khoản vay dài hạn để đầu tư cho năm 2020.

Các doanh nghiệp nhóm ngành dệt may, da giày đề nghị Chính phủ cho doanh nghiệp được phép ký hợp đồng xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn từ tháng 4/2020 và nhập khẩu vải may khẩu trang.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro đề nghị: "Hapro có một công ty may, hiện nay xuất khẩu dệt may Mỹ và một số thị trường đã ngừng nhập khẩu, Hapro chuyển sang một dây chuyền sản xuất khẩu trang  đã sản xuất được khẩu trang kháng khuẩn và có thể cung cấp được 1 triệu khẩu trang/tháng. Nếu thành phố có nhu cầu đặt hàng cho hệ thống y tế thì Hapro cung cấp với giá cả do thành phố duyệt"./.