Theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết việc thi hành Luật điện lực về an toàn điện được áp dụng từ ngày hôm nay (15/4), toàn bộ hoặc một phần công trình nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV thì chủ sở hữu nhà, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt.

Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không lớn hơn 70% giá trị phần nhà ở, công trình phụ trên diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, theo đơn giá xây dựng mới của nhà ở, công trình phụ có tiêu chuẩn tương đương do UBND cấp tỉnh ban hành.

Trường hợp nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật, UBND cấp tỉnh cũng có quyền xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.

Nếu nhà ở công trình phụ bị phá dỡ một phần, nhưng phần còn lại vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, thì chủ đầu tư lưới điện cao áp có trách nhiệm chi trả bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và cho phí cải tạo, hoàn thiện nhà.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định: Phần đất đai bị hạn chế khả năng sử dụng có cùng thửa với đất của một chủ sử dụng trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp đến 220 kV được bồi thường, hỗ trợ với mức không quá 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác tính trên diện tích đất hành lang.

Đặc biệt, đối với các công trình nhà ở ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn nhưng nằm giữa hai đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn phía ngoài cùng gần nhất đến 60 mét cũng được UBND tỉnh xem xét ở lại và được bồi thường, hỗ trợ.

Riêng trong trường hợp nhà ở, công trình phụ không thể cải tạo, buộc phải dỡ bỏ, di dời thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất trong hành lang bảo vệ lưới điện  được bồi thường, hỗ trợ nhưng không lớn hơn 30% mức bồi thường thu hồi đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất trên hành lang bảo vệ. Mức bồi thường, hỗ trợ sẽ do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.

Đối với cây trồng trên diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn, nếu phải chặt bỏ hoặc trồng mới cũng được hỗ trợ bồi thường theo quy định hiện hành. Mức bồi thường sẽ do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương.

Chủ đầu tư lưới điện cao áp, UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm xem xét, hỗ trợ bồi thường cho người dân có diện tích nhà, công trình phụ, đất đai, cây trồng trong hành lang an toàn lưới điện. Việc bồi thường, hỗ trợ trong các trường hợp trên chỉ được thực hiện một lần./.