Tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị giữa kỳ nhóm Tư vấn các nhà tài trợ (CG), diễn ra chiều 2/6, bà Kwawa – Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: Kỳ họp lần này các nhà tài trợ sẽ tập trung vào các nội dung chính như: bất ổn kinh tế vĩ mô và cách thức Chính phủ Việt Nam bảo vệ nhóm dân nghèo bị tác động bởi sự bất ổn kinh tế vĩ mô, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, những thách thức về các yếu tố tài khoá, tài chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn tài trợ…

Hội nghị sẽ diễn ra ngày 9/6/2011 tại Hà Tĩnh.

Liên tục đối mặt với bất ổn

Trong một vài năm vừa rồi, sự bất ổn kinh tế vĩ mô xảy ra rất thường xuyên. Có lẽ phải đặt câu hỏi: Mất ổn định kinh tế vĩ mô có phải là một đặc điểm của kinh tế Việt Nam hay không?

Bà Victoria Kwawa cho biết: “Đây cũng là câu hỏi được đặt ra thường xuyên giữa Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển. Ở những thời điểm nào đó, Chính phủ có thể ứng phó được với bất ổn kinh tế vĩ mô và tình hình có vẻ ổn định lại nhưng một năm sau đó bất ổn lại quay trở lại”.

KTvimo.jpg
" Tình hình bất ổn giống như ở Việt Nam không phải là duy nhất trên thế giới" - bà Kwawa

Bà Kwawa cho rằng, chúng ta cần phải nhìn vào động cơ hay yếu tố nào là chủ yếu nhất dẫn tới sự dễ bị tổn thương của nền kinh tế ở cấp độ vĩ mô. Các đối tác cũng nhận thấy rằng Việt Nam đã có những biện pháp để đạt được sự ổn định trong ngắn hạn. Thế nhưng, điều này vẫn chưa đủ, Việt Nam cần có những nỗ lực bổ sung để làm cho kinh tế vĩ mô ít bị tổn thương hơn. Hay nói cách khác, cần làm cho kinh tế vĩ mô có uy tín tốt hơn.  

“Tình hình bất ổn giống như ở Việt Nam không phải là duy nhất trên thế giới. Nhiều quốc gia khác cũng có sự bất ổn định kinh tế vĩ mô quay đi quay lại nhiều lần. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết được nguyên nhân gốc rễ gây ra sự bất ổn này. Những nhà tài trợ nhìn thấy và không bỏ rơi vấn đề đó mà tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam giải quyết thách thức phát triển đó chứ không thể bỏ cuộc được” – bà Kwawa nói.

Còn theo ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay gồm 2 nhóm: Nguyên nhân bên ngoài và nội tại nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, nguyên nhân bên ngoài có thể kể đến là giá cả trên thị trường quốc tế thay đổi, cú sốc về giá cả thực phẩm, nguyên liệu và vấn đề nợ nước ngoài ở một số nước châu Âu.

Nguyên nhân từ nội tại nền kinh tế khá quan trọng, làm xói mòn sự ổn định nền kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và thanh khoản rất nhanh. Tháng 11 và 12/2010, tăng trưởng tín dụng đạt đỉnh điểm. Tiếp đó, gói kích cầu của Chính phủ đáng ra phải kết thúc rồi nhưng lại có những chậm trễ trong việc chấm dứt chương trình này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có những ảnh hưởng đồng thời của sự mất giá đồng tiền Việt Nam, giá cả năng lượng, nguyên liệu tăng vọt và vụ Vinashin cũng có ảnh hưởng lớn tới khả năng tín dụng trên thị trường vốn của Việt Nam.

Một thực tế nữa đó là sự bất ổn kinh tế vĩ mô lặp đi lặp lại dẫn đến khả năng quản lý bị suy giảm, kéo theo hệ số tín nhiệm của Việt Nam giảm, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn. “Đây là cái vòng luẩn quẩn” – ông Deepak Mishra nói.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam còn hạn chế. “Chúng ta đang nỗ lực giải quyết vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau”. Theo bà Kwawa: “Vấn đề đầu tiên cần giải quyết là đảm bảo những dự án được tài trợ khi trình lên Ban giám đốc của chúng tôi để phê duyệt thì phải sẵn sàng ở trạng thái chuyển sang giai đoạn thực hiện được ngay. Đôi khi các chi tiết của dự án chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ và có trường hợp phải mất từ 12- 18 tháng để chuẩn bị chi tiết trước khi thực hiện dự án. Đây là điều chúng tôi thấy trở ngại và chúng tôi cần làm việc sát sao với Chính phủ để có thể chuẩn bị trước càng nhiều chi tiết cho dự án càng tốt để khi dự án được phê duyệt là bắt tay thực hiện ngay”.

“Quá trình này không thể giải quyết một sớm một chiều được và chúng tôi đang nỗ lực để thúc đẩy quá trình giải ngân” – bà Kwawa nói.

Thực thi chính sách có thể “chậm” nhưng phải “chắc”

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết là việc ban hành Nghị quyết số 11.

“Đây là tài liệu chính sách tuyệt vời của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Vì nó đưa ra nhiều mục tiêu chính sách mạnh mẽ và thống nhất về tài khoá, tiền tệ. Và đó là những mục tiêu hợp lý, củng cố lẫn nhau. Bên cạnh đó, Nghị quyết này cũng đưa ra nhiều biện pháp có tính chất cơ cấu để giải quyết những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay” - ông Deepak Mishra nhận xét.

Nghị quyết 11 đã tạo ra một kế hoạch đáng tin cậy và đây là bước đi rất quan trọng để có thể đạt sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đặc biệt thể hiện qua hai yếu tố là giảm bớt sự chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái chợ đen và chính thức. Ông Deepak Mishra đưa ra quan sát của mình: “Lần đầu tiên trong vòng 27 tháng qua tỷ giá hối đoái của ngân hàng với chợ đen có mức chênh rất ít. Rõ ràng đây là sự thay đổi rất đáng kể. Thứ hai, mức chênh lệch lãi suất của trái phiếu quốc gia có thể cải thiện được cảm nhận của các nhà đầu tư quốc tế đối với hệ số tín nhiệm và tin cậy của Việt Nam”.

Lần đầu tiên trong vòng 27 tháng qua tỷ giá hối đoái của ngân hàng với chợ đen có mức chênh rất ít.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Deepak Mishra, mặc dù các Bộ, ngành rất chú tâm thực hiện Nghị quyết này nhưng tiến độ thực thi lại không phải đồng đều, vẫn còn nhiều việc Chính phủ phải giải quyết. Làm được như hiện nay vẫn chưa phải là đủ. Do dó, chúng tôi cảm thấy cần nỗ lực hơn trong kiểm soát đầu tư của Nhà nước và phải có một tầm nhìn trung hạn về vấn đề tài khoá để có thể giải quyết vấn đề nợ công.

“Chúng tôi cho rằng, cần có nhiều cải cách, tuyên bố vững chắc hơn nữa về việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi thông tin với thị trường cũng như tính minh bạch trong hoạt động ngân sách. Chính phủ có thể tiến chậm nhưng chắc để có thể thực hiện và tiếp tục có những cải cách mang tính cơ cấu” – ông Deepak Mishra nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, có 3 chỉ số về sự ổn định kinh tế vĩ mô cần phải tiếp tục duy trì thông qua thực hiện Nghị quyết 11, đó là: Lạm phát hạ xuống còn 1 con số và ổn định; mức độ chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và chợ đen hoàn toàn không còn nữa; mức dự trữ ngoại hối của chính phủ phải đủ để có thể tài trợ được 2,5 tháng nhập khẩu. “Đây là 3 mốc quan trọng được coi là 3 chỉ tiêu đạt được và phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11”./.