Hơn 9.000 căn hộ tái định cư bỏ không
Theo báo cáo số liệu kiểm kê và đánh giá tổng thể thực trạng, hiệu quả trong công tác quản lý quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, hiện TP.HCM có 11.370 nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư. Trong số này, có tới 9.173 căn hộ và 2.197 nền đất thuộc 161 dự án chưa sử dụng.
Khu tái định cư Bình Khánh, phường An Phú (Quận 2 cũ, nay là TP.Thủ Đức) là một dự án tái định cư có quy mô đồ sộ bậc nhất TP.HCM. Dự án này phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gồm khu 30,2ha Bình Khánh có 4.216 căn hộ, khu 38,4ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ và khu 17,3ha An Phú – Bình Khánh có 1.844 căn hộ.
Mặc dù cơ bản hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay mới lác đác có vài căn hộ có người ở, phần lớn bỏ không, hoang hoá khiến chất lượng công trình xuống cấp trầm trọng. Tình cảnh này khiến nhiều người dân không khỏi xót xa.
“Khi chúng tôi phải chen chúc trong trung tâm thành phố, phải ở trọ thì có hàng ngàn căn hộ bỏ hoang ở Thủ Thiêm, nhìn rất chua xót. Tôi nghĩ UBND TP.HCM nên có phương án chia nhỏ ra thành từng căn để bán, như vậy thì người dân sẽ dễ dàng tiếp cận”, chị Trần Thị Mai Hương (ngụ quận Phú Nhuận) bày tỏ.
Không chỉ lãng phí, một dự án trong khu tái định cư này là New City Thủ Thiêm do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt làm chủ đầu tư được Thanh tra Chính phủ khẳng định có sai phạm tại Thông báo số 1041 năm 2019. Cụ thể, Công ty Thuận Việt thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại và chuyển nhượng 1.122 căn hộ cho người mua. Đồng thời, UBND TP.HCM đã thanh lý hợp đồng xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Cần thay đổi phù hợp thực tiễn
Để xử lý 11.370 nhà và đất tái định cư chưa sử dụng, TP.HCM xác định chủ trương theo ba hướng. Thứ nhất, phân bổ cho quận, huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất (2.396 căn và 1.030 nền). Thứ hai, bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất (5.022 căn và 41 nền đất). Thứ ba, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất (1.755 căn và 1.126 nền) để phục vụ di dời người dân trong các trường hợp khẩn cấp, người dân sống trong chung cư hư hỏng nặng hoặc các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thiết.
Có thể thấy, trong phương án xử lý của TP.HCM, một lượng lớn căn hộ tái định cư sẽ được bán đấu giá. Thế nhưng, ngay tại dự án Khu tái định cư Bình Khánh nêu trên, thành phố 3 lần tổ chức bán đấu giá hàng ngàn căn hộ tái định cư vẫn “ế ẩm”. Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý Nhà Toàn Cầu chỉ ra rằng việc bỏ số tiền lớn mua lại dự án quá cũ, phải sửa chữa thêm với chi phí cao thì kinh doanh không hiệu quả.
“Đây là hình thức mua căn hộ giá chồng giá. Dòng tiền phải bỏ ra trên 10.000 tỷ đồng cho một dự án được xây dựng và hoàn thành cách đây cả chục năm mà không có người ở. Thực trạng này làm cho dự án đã xuống cấp theo thời gian. Khả năng thành công rất khó khăn”, ông Nguyễn Duy Thành cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc đấu giá căn hộ tái định cư sẽ khó thành công nếu mức giá khởi điểm quá cao, chủ trương đấu giá trọn lô, thu tiền một lần cả ngàn căn hộ. Để không lặp lại vòng luẩn quẩn trong xử lý căn hộ tái định cư thì cần có sự thay đổi.
“Thành phố cần xác định giá khởi điểm đấu giá một cách hợp lý. Thứ hai là thành phố cần phải phân chia các lô đấu giá một cách hợp lý. Và thậm chí ngay cả chuyện bán đấu giá từng căn hộ cho người tiêu dùng”, ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Để chấm dứt tình cảnh hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bỏ không, TP.HCM cần sớm thay đổi cách làm cho phù hợp thực tiễn. Đồng thời, đối với các doanh nghiệp lợi dụng chính sách tái định cư để vi phạm, trục lợi thì phải xử lý nghiêm minh, tránh gây hậu quả cho xã hội./.