Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận được quy hoạch làm Dự án nhà máy điện hạt nhân số 1 từ năm 2008. Đến nay, dự án đã dừng nhưng do vướng quy hoạch nên người dân không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, sang nhượng đất đai và cũng không được sản xuất, đời sống người dân hết sức khó khăn.

“Nhà cửa ở đây không có nhà nào được xây dựng khang trang. Có bữa trời mưa ở trên, nước chảy ở dưới, có chỗ bị sét đánh. Các gia đình lâm vào cảnh sống tạm bợ, thiếu thốn vì không xây dựng, sắm sửa được gì, làm ăn bữa có bữa không”.

“Nhà chú cũng xuống cấp trầm trọng, đôi lúc có gió lớn cũng sợ nó sụp lúc nào không hay, nhưng cũng phải chịu vì không sửa chữa được”.

Đó là ý kiến của ông Trịnh Xuân Phiên và Nguyễn Văn Thắng ngụ ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nơi trước đây được quy hoạch để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Theo ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường, thôn có hơn 260 hộ dân với khoảng 1.100 nhân khẩu. Do vướng quy hoạch dự án điện hạt nhân nên người dân không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, sang nhượng đất đai và cũng không được sản xuất.

“Nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án trêo nên đời sống, kinh tế vô cùng khó khăn, mất ổn định vì không làm ăn gì được từ năm 2008 đến nay, khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu đã dừng dự án điện hạt nhân thì phải thông báo rõ ràng để cho nhân dân được làm các giấy tờ về đất để người dân thuận tiện buôn bán cũng như vay vốn”, ông Du nêu ý kiến.

Năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được Trung ương chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW. Trong đó, nhà máy điện hạt nhân 1 được quy hoạch tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, với tổng diện tích 443 ha.

Năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua và dự kiến khởi công vào năm 2014. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, Quốc hội ra Nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án này. Đến nay, do vướng quy hoạch nên hàng trăm hộ dân vùng dự án gặp không ít khó khăn, hạ tầng ngày càng xuống cấp.

Ông Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết, để đảm bảo cuộc sống của nhân dân trong vùng dự án, huyện đã báo cáo và kiến nghị với tỉnh. Qua đó, xem xét hủy bỏ Thông báo thu hồi đất dự án để cho người dân thực hiện các quyền sử dụng đất theo quy định.

Ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Trong đó có nội dung, giao cho UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng Đề án “Chuyển đổi mặt bằng 2 nhà máy điện hạt nhân”. Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chính thức giao quyền cho tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi mặt bằng 2 nhà máy điện hạt nhân”.

Để đủ cơ sở pháp lý phê duyệt, Ninh Thuận cũng đã có kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ điều chỉnh quyết định xây dựng Nhà máy điện hạt nhân trước đây, đồng thời huỷ bỏ chủ trương địa điểm đầu tư hai nhà máy. Và từ tháng 4/2021 đến nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành. 

“Dự án đã qua 10 năm, từ khi Quốc hội bấm nút triển khai dự án điện hạt nhân đến nay không được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn từ đó đến nay. Tỉnh hy vọng Bộ Công Thương sớm tham mưu cho Thủ tướng quyết định”, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết.

Theo định hướng, Ninh Thuận sẽ chuyển đổi mặt bằng dự án vùng này, giữ nguyên khu dân cư ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh đồng thời mở rộng khoảng 14ha để tạo an sinh cho người dân. Còn đối với vùng sản xuất, tỉnh sẽ giữ nguyên hiện trạng và chuyển đổi mặt bằng một số khu vực đang nuôi tôm mà bị ô nhiễm sang làm du lịch với diện tích khoảng 77ha.

Người dân và chính quyền địa phương rất mong các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ những vướng mắc để Đề án “Chuyển đổi mặt bằng 2 nhà máy điện hạt nhân” sớm được triển khai./.