Thiếu vốn vì nhiều trở ngại

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng tăng mạnh, tỷ giá USD đã tăng trên 5%, điều này hạn chế cung tiền của Chính phủ. Từ đó, dòng tiền khó khăn cho quý I và quý II năm nay.  

Các doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh không tốt sẽ khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Tiêu dùng vẫn hạn chế do việc làm chưa phục hồi và nhóm trung lưu phải giải quyết nợ vay bất động sản.

Một điểm khác cản trở dòng tiền đầu tư được ông Hiển chỉ ra là trái phiếu phải xử lý năm 2024 lên tới 382.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thanh khoản tiền mặt cũng thấp do các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về giao dịch.

Về các nhà đầu tư cá nhân, ông Hiển nhận định, nhà đầu tư vẫn chưa mạnh dạn “xuống tiền” vào bất động sản: “Nhà đầu tư lướt sóng vẫn còn chùn tay, còn băn khoăn, họ chưa có niềm tin vào sự phục hồi của bất động sản nên chưa dám xuống tiền. Còn nhà đầu tư trung hạn, đầu tư cho nhu cầu dài hạn thì vẫn còn quan sát. Điều đó làm cho thị trường bất động sản năm 2024 chưa được như mong đợi”.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, dù Chính phủ rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhưng khó khăn vẫn tồn tại.

Ông Thiên cho rằng, có thể những chính sách, giải pháp được ban hành chưa đủ thời gian để đi vào thực tế hoặc cũng có thể cách tiếp cận giải quyết vấn đề chưa đi đúng trọng điểm.

Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp kiệt quệ vì thiếu vốn. Việc ngân hàng hạ lãi suất là chủ trương đúng nhưng đến nay còn ít và cũng muộn. Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng đang chậm, ảnh hưởng tới đầu tư tư nhân.

“Các thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam mất cân bằng. Do vậy, rủi ro đổ hết lên thị trường tín dụng. Còn thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu phát triển tương đối tự phát. Thị trường đất đai có vấn đề nghiêm trọng, phải cố gắng triển khai sớm Luật Đất đai”, ông Thiên nói.

Cần gỡ nút thắt pháp lý

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, trong bối cảnh hiện nay, việc khơi thông nguồn cung sản phẩm cho năm 2024 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những trở ngại đang làm chậm nguồn cung là chậm trễ trong xét duyệt và hoàn thiện pháp lý của các dự án.

Điều này dẫn đến những khó khăn đối với việc các chủ đầu tư tham gia thị trường, bởi các doanh nghiệp không có được tài sản thế chấp cần thiết để ngân hàng cho vay, làm cho chủ đầu tư không có nguồn tín dụng phát triển dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu, hơn 70% các dự án bất động sản hiện nay đều bị ách tắc pháp lý. Do đó, muốn khơi thông nguồn cung bất động sản, nhất là ở khu vực phía Nam - nơi có nhiều dự án đang đình trệ, cần phải gỡ "nút thắt" pháp lý cho lĩnh vực này.

Thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương, trong bối cảnh một số luật có liên quan đã được thông qua.

“Ba luật được Quốc hội thông qua, cho phép áp dụng sớm từ này 1/7 là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thì chúng ta sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho dự án nhà ở thương mại trong thời gian tới”, ông Châu kỳ vọng.

Nhiều chuyên gia nhận định, từ quý III/2024 khi các luật liên quan được triển khai sẽ thúc đẩy phần nào tới thị trường bất động sản. Cùng với đó, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM cũng tạo động lực cho thị trường phía Nam.