Hà Nội hiện có hàng trăm dự án bất động sản dù đã hàng thập kỉ nhưng vẫn chậm triển khai, nhiều chủ đầu tư "ôm đất" bỏ hoang lãng phí. Huyện Mê Linh (Hà Nội) với gần 50 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai và đang ở top đầu địa phương có nhiều dự án bỏ hoang nhất. Trong các dự án bỏ hoang ở huyện Mê Linh, 3 dự án đã bị thu hồi.
Thành phố Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất.
Tuy vậy, thời gian gần đây đất Mê Linh tăng giá, tại xã Tiền Phong, xung quanh khu vực dự án Cienco 5, giá đất thổ cư tăng từ mức 15 - 23 triệu đồng/m2 lên 21 triệu - 40 triệu đồng/m2.
Ngay cả những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm, thế nhưng, nhờ có tin đồn về quy hoạch, giá trị cũng tăng từ 40% - 70%. Đơn cử như tại các dự án nhà liền kề tại Diamond Park, Mê Linh New City, Mê Linh Vista... đã tăng lên 20 - 23 triệu đồng/m2. Hay như dự án siêu đô thị AIC Mê Linh với quảng cáo bằng những "lời có cánh" như: khu đô thị mới hiện đại bậc nhất Hà Nội, đô thị của thế kỷ 21, được ví như Phú Mỹ Hưng của miền Bắc. Nhưng thực tế hiện tại, sau 10 năm chỉ là bãi đất hoang.
Một môi giới bất động sản cho biết số lượng người đến xem đất ở huyện Mê Linh thời gian gần đây tăng vọt ở cả đất thổ cư và các dự án. Giá đất tùy vị trí, mặt đường đẹp trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên cũng không dễ mua vì người dân vẫn ôm đất chờ giá lên nữa.
Quá trình quy hoạch của thành phố Hà Nội khá giống với thành phố Thủ Đức (TP.HCM) dự định đưa 3 huyện trong đó có Mê Linh lên thành phố nằm trong thành phố. Thị trường bất động sản tại thành phố Thủ Đức cũng từng xuất hiện tình trạng đầu cơ đẩy giá nhiều người ôm mộng rồi vỡ mộng.
Cùng với đó là bài học thông tin huyện Hoài Đức, Thanh Trì lên quận vào năm 2021, thời điểm những năm trước đó đất tại các khu vực này cũng “nóng” lên từng ngày. Hiện tại khá nhiều các dự án hơn 10 năm nay vẫn lay lắt với hàng trăm căn nhà bỏ hoang như khu đô thị Vân Canh…
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: Sau 2 tháng Hà Nội giãn cách, nhà đầu tư, giới “cò” đất Hà Nội đã cảm thấy "cuồng chân" chính vì thế tại nhiều khu vực vùng ven Hà Nội ngay sau hết giãn cách nhà đầu tư đã đổ bộ về đây cập nhật thị trường.
Trong khi quỹ đất tại các khu vực “truyền thống” ở phía Tây như Hoài Đức, Đan Phượng hay Thạch Thất đã tăng cao, kém hấp dẫn, thì giới đầu tư tìm đến các thị trường có giá đất rẻ hơn, và chuẩn bị có quy hoạch mới.
“Tăng giá bất động sản phải tỷ lệ thuận với tăng đầu tư thực sự để tạo ra những giá trị về hạ tầng, về đời sống và về dịch vụ cho những vùng được kết nối và đầu tư đến đâu thì giá trị tăng đến đó. Tăng giá bất động sản giai đoạn bắt đầu mới công bố kế hoạch, quy hoạch là đúng quy luật nhưng tăng ở mức độ 5 - 7% thì là hợp lý còn nếu tăng quá nhiều thì là bất bình thường. Bất động sản sẽ tăng theo hạ tầng nhưng đó phải là đầu tư thật” - ông Nguyễn Văn Đính khẳng định./.