Chủ trương phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài cho chính quyền địa phương đã đem lại sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, cơ chế phân cấp này đã nảy sinh nhiều bất cập, nhất là khi thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta bước sang giai đoạn mới, với định hướng coi trọng chất lượng hơn số lượng.

Ðồng Nai được xem là một trong những địa phương thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, có 888 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký tại các Khu công nghiệp ở Ðồng Nai, trong đó có 725 dự án đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động với tổng vốn 8,7 tỷ USD. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch nhanh chóng từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ.

Tuy nhiên, Ðồng Nai cũng không tránh khỏi tình trạng thu hút đầu tư nước ngoài một cách ồ ạt, dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa cao. Phần lớn các dự án sử dụng công nghệ trung bình và lạc hậu, gần 20% số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa triển khai, dẫn tới lãng phí đất đai, tác động xấu tới cuộc sống người dân vùng dự án, bỏ lỡ cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác...

Không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trên phạm vi cả nước, có tới hơn 80% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ trung bình, chỉ có 5-6% doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, 14% sử dụng công nghệ lạc hậu và thấp, gây ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng thấp... Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua mới chạy theo số lượng mà chưa chú trọng chất lượng. Ðây cũng là hệ quả của việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá giữa các địa phương.

Không thể phủ nhận chủ trương phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài cho chính quyền địa phương thời gian qua đã có tác động tích cực đến tính chủ động của các địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư... Tuy nhiên, do năng lực thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài lớn của cán bộ tại một số địa phương còn hạn chế nên đã xảy ra tình trạng cấp phép mà không bảo đảm các điều kiện cần thiết. Việc cấp phép đầu tư quá dễ dàng khiến cho nhiều dự án được cấp phép đã phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng; nhiều dự án có quy mô lớn nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm.

“Phần lớn các tỉnh, các địa phương công tác quản lý dự án sau giấy phép chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt khâu nắm tình hình vốn thực hiện. Vốn đăng ký thì báo cáo rất đủ, ví dụ như đăng ký tháng này như thế nào, theo đối tác, theo nước, theo vùng, nhưng vốn thực hiện, tức là tình hình triển khai thực tế của các dự án sau cấp phép như thế nào thì thông tin mà các địa phương gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất thiếu. Hiện nay, dự thảo Nghị định 108 mới liên quan đến công tác thẩm định, cấp phép và quản lý dự án sau cấp phép đã có những quy định mới để tăng cường công tác này” - ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự thảo Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đề xuất điều chỉnh việc phân cấp đối với cấp phép đầu tư. Theo đó, sẽ chỉ phân cấp cho tỉnh, thành được cấp phép các dự án có quy mô dưới 100 triệu USD, những dự án sử dụng dưới 5 ha đất đô thị và dưới 50 ha đối với loại đất khác. Tuy nhiên, khi dự thảo này được đưa ra đã không nhận được sự đồng thuận của nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: dù điều chỉnh quy định phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài thế nào thì quan trọng nhất vẫn phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, tránh tư tưởng lợi ích cục bộ địa phương.

Trước mắt, để khắc phục những hạn chế của cơ chế phân cấp quản lý đầu tư thì việc phân cấp cần đi kèm với luật pháp, chính sách rõ ràng, đồng bộ; các quy định cụ thể về điều kiện thực hiện phân cấp cùng hệ thống quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch vùng, lãnh thổ và địa phương. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm liên quan đến phân cấp cũng cần thực hiện thường xuyên và nghiêm túc./.