Tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên vấn đề bất bình đẳng về thu nhập được đưa vào nội dung chương trình nghị sự. 

Sau một thời gian dài tin rằng, sự bất bình đẳng về thu nhập là cần thiết để khuyến khích tài năng và kích thích sự sáng tạo, Diễn đàn kinh tế thế giới Davos đã bắt đầu chú ý tới những cảnh báo về mối nguy cơ từ khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng.  Trong báo cáo kinh tế thế giới năm 2014 công bố cuối năm ngoái, Diễn dàn kinh tế thế giới đã xếp tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng về thu nhập ở vị trí thứ 2 trong những mối nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định xã hội và an ninh thế giới.

Theo ông Klaus Schwab, chuyên gia kinh tế người Thụy Sĩ và là nhà sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới, hội nghị năm nay sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới xem xét cách thức mà thế giới đang thay đổi sau các cuộc khủng hoảng những năm gần đây. “Nếu nhìn lại chương trình nghị sự của Diễn đàn kinh tế Davos trong những năm gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy các chương trình đều bị "bao phủ" bởi các cuộc khủng hoảng. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng euro năm ngoái và giờ là lúc để xem xét những thay đổi thực sự về cơ bản đang diễn ra trên thế giới, trong các lĩnh vực công nghệ, hay xã hội,... Chúng ta sẽ phải xem xét nhiều hơn những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt về xã hội và kinh tế.”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính Anh số ra đầu tuần này, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Davos chú ý nhiều hơn tới một thực trạng phổ biến hiện nay tại nhiều nước là "thành quả của tăng trưởng chỉ rơi vào một số rất ít người". Điều này không phải là tốt đối với sự ổn định và bền vững của tăng trưởng thế giới.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam cũng công bố báo cáo mang tên “Làm việc cho thiểu số” cho thấy một bức tranh rõ nét về khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu hiện nay, đồng thời cảnh báo những rủi ro lớn mà sự chênh lệch này có thể đặt ra cho “tiến bộ nhân loại”. Theo báo cáo, mức độ bất bình đẳng về kinh tế đã vượt qua ngưỡng được xem là cần thiết cho sự tiến bộ và tăng trưởng. Giá trị tài sản ròng của 1% người giàu nhất thế giới hiện nay lên tới 110.000 tỷ USD (tương đương 65 lần tổng giá trị tài sản ròng của một nửa dân số nghèo nhất hành tinh). Trong đó, riêng 85 người giàu nhất đã sở hữu khối tài sản bằng tài sản của 3,5 tỷ người nghèo nhất thế giới. Theo tổ chức Oxfam, về mặt đạo đức, tình trạng này là không thể chấp nhận khi đang cho phép những người giàu phá vỡ mọi quy tắc, đe dọa sự gắn kết xã hội và các nền tảng dân chủ. Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh này kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới Davos cam kết tăng cường các biện pháp chống trốn thuế và tránh việc sử dụng tài sản kinh tế để tìm kiếm sự ưu ái về chính trị, đồng thời khuyến khích các nước đầu tư cho việc mở rộng chăm sóc y tế, giáo dục và an sinh xã hội cho tất cả mọi người không có sự phân biệt, hay thậm chí là bảo vệ mạnh mẽ các quy định về mức lương tối thiểu, vốn được xem là có ý nghĩa sống còn đối với tất cả các xã hội hiện nay.

Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, với chủ đề "Tái định hình trật tự thế giới: Những tác động lên xã hội, chính trị và kinh tế". Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh bức tranh toàn cầu có nhiều biến động hiện nay cả về kinh tế, chính trị và xã hội, vấn đề bất bình đẳng thu nhập sẽ làm nóng nghị trường./.