Sáng 6/9, tại thành phố Tuy Hoà (Phú Yên), Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh- Bộ Công thương cho biết: Lâu nay, công tác bảo vệ người tiêu dùng chưa đưa lại kết quả như mong muốn là do hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về vấn đề này nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà chưa có sự tập trung, nhất quán nên khó khăn trong việc áp dụng. Trong khi đó, hoạt động phân phối sản phẩm phát triển rất mạnh mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa kiểm soát hết. Bên cạnh đó, tồn tại lớn nhất trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam là tâm lý ngại đấu tranh, tố giác của người tiêu dùng khi quyền lợi bị xâm phạm. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Việc tổ chức bộ máy Nhà nước liên quan bảo vệ người tiêu dùng chưa đủ mạnh từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các cơ quan chức năng chủ yếu dừng lại ở công tác tư vấn hoà giải, do vậy những hành vi sai phạm không được xử lý đến nơi đến chốn tạo ra những tiền lệ xấu trong sản xuất và kinh doanh những hàng hoá kém chất lượng làm phương hại đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Trung Dũng cũng cho biết, hiện nay, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực. Với tư cách là một cơ quan tham mưu, tới đây, Cục Cạnh tranh sẽ tham mưu cho Bộ Công thương dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định về xử phạt hành chính liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này, làm cơ sở pháp lý để thực thi các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. 

Tại hội thảo, ngài Marooka Naomichi, đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tại Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong bảo vệ người tiêu dùng như: việc đầu tư của Chính phủ cho hoạt động này, tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng mà đứng đầu là Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng quốc gia Nhật Bản, công bố những đơn vị doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn quốc.

Ngài Marooka Naomichi đề xuất những giải pháp mà Việt Nam cần áp dụng trong thời điểm hiện nay để phát triển hoạt động này mà trước hết là có một cơ quan đủ mạnh, hoạt động tương đối độc lập để thực thi vấn đề này.

Tại hội thảo các đại biểu đã được giới thiệu về Luật bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các kế hoạch thực thi trong thời gian tới; các pháp luật trong hoạt động cạnh tranh liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác bảo vệ người tiêu dùng và những vấn đề đặt ra hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên và những kinh nghiệm bảo vệ người tiêu dùng của các địa phương, đơn vị doanh nghiệp trong nước./.