Trong vai một người đi mua xăng chúng tôi tới cửa hàng xăng dầu Đỗ Kính tại chợ Bái huyện Khoái Châu (xã Đông Kết, Hưng Yên). Chúng tôi mua 30.000 đồng nhưng nhân viên bán hàng thản nhiên ấn đồng hồ 29.000 đồng. Khi chúng tôi thắc mắc việc này, người bán hàng quay đi rồi thản nhiên nói, “không mua đi chỗ khác, chỗ này bán thế”.

Tiếp tục đến cơ sở thứ 2 của cửa hàng xăng dầu Đỗ Kính tại quán Hàng Táo (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu). Nhân viên bán hàng lấy lý do mất điện không bán xăng, tuy nhiên phía trong cửa hàng đèn điện và quạt vẫn bật. Cách giải thích này thực khó thuyết phục.

Hai tiếng sau, chúng tôi được người dân địa phương dẫn trở lại cây xăng này, lúc này nhân viên chịu ra bán xăng nhưng thản nhiên mặc cả giá bán: đưa 20.000 đồng chỉ mua được lượng xăng bằng 19.000 đồng, đổ 30.000 đồng được 28.500 đồng…

Tại của hàng xăng dầu xã Đông Ninh (huyện Khoái Châu) chủ cửa hàng lấy lí do bớt lại 1.000 đồng bù tiền điện khi bơm cho chúng tôi 19.000 đồng tiền xăng.

Anh Lê Văn Hoàng, người xã Tân Châu kể, từ khi có tin xăng tăng giá, nhiều cây xăng đóng cửa chờ tăng giá. Những ai muốn mua xăng số lượng lớn từ 10-20 lít trở lên thì phải qua đò sang Phú Xuyên, Hà Nội mua xăng. “Mua 30.000 đồng thì họ trừ 3.000 đồng. Khách hang chấp nhận như vậy họ mới bán. Ai thắc mắc họ hút xăng ra khỏi bình, không bán nữa”- Anh Hoàng bức xúc.

Ông Phạm Huy Bình - Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết: đợt tăng giá xăng lần trước, nhiều chủ cây xăng cố ý găm hàng và đều bị nhắc nhở, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, chủ cây xăng vẫn luồn lách lực lượng kiểm tra, đóng cửa hoặc chuyển sang bán bằng bơm tay. Hiện tượng này chưa giải quyết triệt để vì một số lãnh đạo xã chưa sâu sát.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cho biết: Một số cây xăng bán hàng kiểu khấu trừ là biểu hiện của tăng giá trá hình. Tuy nhiên, theo luật sẽ không áp dụng được việc xử phạt theo Nghị định 107 của Chính phủ về xử lý vi phạm đầu cơ, tăng giá. Hành vi này chỉ xử lý được theo Nghị định 112 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, đây là mức phạt không đủ sức răn đe.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cũng nhận được thông tin của quần chúng nhân dân về việc bán xăng theo giá thoả thuận. Hiện tượng này trước Tết đã xuất hiện và Chi cục sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát trên địa bàn toàn tỉnh, sẽ kiến nghị Sở Công Thương của tỉnh Hưng Yên rút giấy phép kinh doanh các cửa hàng xăng dầu vi phạm.

Bộ Công Thương đã bác bỏ tin đồn việc tăng giá xăng, chỉ đạo các tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phải mở cửa bán hàng đủ thời gian, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tại địa phương. Các hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại khác; trường hợp phát hiện vi phạm, yêu cầu xử lý nghiêm, theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại tỉnh Hưng Yên người dân vẫn tiếp tục phải mua xăng “chiết khấu”./.