Chiều 15/5, Ban chỉ đạo Phát triển cây cao su tỉnh Sơn La phối hợp với công ty cổ phần cao su Sơn La và UBND huyện Mường La họp tại xã Mường Bú, Mường La, trực tiếp gặp gỡ với các hộ dân trồng cao su để lắng nghe nguyện vọng người dân, đồng thời thông báo định hướng, chính sách, giải pháp quản lý chăm sóc, bảo vệ, khai thác vườn cao su.

Sau gần 8 năm trồng cao su, đến nay toàn tỉnh đã giao đất cho công ty Cổ phần cao su Sơn La trên 8.700 ha tại 6 huyện, 18 xã với sự tham gia góp đất của 7.300 hộ dân. Hiện toàn tỉnh đã trồng được gần 6.500 ha cao su.

chat_cao_su_xzhh.jpgNhiều cây cao su bị chặt để tại nhà dân.
Nhiều ý kiến của người dân, cũng như lãnh đạo các xã, bản tham gia cuộc họp cho thấy: Thu nhập của người dân khi tham gia làm công nhân cho công ty không ổn định, trung bình chỉ từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng, dẫn đến đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều người đã viết đơn xin nghỉ không tham gia làm công nhân vì mức lương quá thấp.

Ban chỉ đạo phát triển cây cao su và Công ty cổ phần cao su Sơn La cho biết, việc chặt gần 70 ha cao su thời gian qua là do giống cây không phù hợp, sức chịu rét kém, phát triển chậm, dự kiến khả năng cho mủ không cao.

Công ty cổ phần cao su Sơn La thừa nhận, chưa có sự phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền việc chặt thay thế giống mới, dẫn đến người dân hoang mang.

Về chủ trương phát triển cây cao su thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ duy trì và chăm sóc diện tích cao su hiện có; hoàn thiện cơ chế chính sách đối với người dân góp đất trồng cao su, tập trung vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân góp đất trồng cao su. Diện tích cao su phát triển đến năm 2016 là 7.000 ha ở 6 huyện.

Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, ban hành các chính sách về chương trình cây cao su và vận dụng tối đa các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cây cao su, như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với công nhân cao su./.