Năm 21 tuổi, Anthony Zhang bỏ ngang đại học sau khi giúp công ty huy động được 1,5 triệu USD, nhưng ngay sau đó, anh bị tai nạn và có thể không bao giờ đi lại được nữa.

anthony_zhang1_eqrb.jpg
Anthony Zhang đã khởi nghiệp từ khi mới học năm nhất

Tuổi trẻ tài cao

Zhang năm nay 22 tuổi, từng là sinh viên Đại học Nam California (Mỹ). Anh được biết đến là một doanh nhân trẻ thành công có khuôn mặt ưa nhìn và nụ cười quyến rũ.

Khi mới học năm nhất, anh và 4 người bạn đã nghĩ ra giải pháp cho vấn đề muôn thủa của sinh viên. Đó là giao thực phẩm đến tận nơi trong ký túc xá - nơi chỉ các nhân viên và sinh viên được phép đi lại. Zhang đã phát tờ rơi, cho biết các bạn học có thể nhắn cho anh thứ họ muốn mua, chuyển tiền và sẽ được giao đồ tại bất kỳ nơi nào trong ký túc mà họ muốn.

Ban đầu, quy mô của việc này khá nhỏ. Một mình Zhang kiếm được khoảng 50 USD một đêm khi đưa đồ ăn nhanh đến tận phòng của bạn bè. Zhang và các bạn đặt tên dịch vụ của mình là EnvoyNow.        

Đó là vào năm 2014. Sau đó, họ đã nghĩ đến việc biến hoạt động này thành việc kinh doanh nghiêm túc. Họ lập website cho EnvoyNow và tuyển thêm vài sinh viên để giao hàng. Trong học kỳ đầu, công ty đã đạt doanh thu 22.000 USD. Đến năm 2015, dịch vụ này đã lan sang cả Đại học Wisconsin và Indiana.

Với Zhang, những trải nghiệm từ việc này còn quý giá hơn kiến thức sách vở. "Tôi học tài chính cao cấp và đọc các trường hợp mẫu trong sách. Rồi tôi nhận ra những gì mình đang làm bây giờ còn mang lại nhiều thông tin hơn", anh cho biết, "Tôi trực tiếp học được cách công ty hoạt động, cách vượt qua khó khăn và chẳng cần đọc đến những bài mẫu từ 30 năm trước trong sách làm gì".

Không lâu sau đó, tạp chí Inc đưa Envoy vào danh sách startup trong trường đại học đáng chú ý nhất nước Mỹ. Envoy còn được quỹ 500 Startups hỗ trợ và Zhang được chọn gia nhập Thiel Fellowship. Đây là chương trình tài trợ 100.000 USD, kéo dài 2 năm cho doanh nhân trẻ nghỉ học và phát triển doanh nghiệp.

Biến cố cuộc đời

Năm 2016, Zhang bỏ ngang việc học và bắt đầu huy động vốn cho Envoy. Anh đã giúp công ty lấy về 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, bước ngoặt xảy đến khi anh quyết định tham gia vào một bữa tiệc cùng bạn học tại một khách sạn ở Las Vegas. "Khi đó trời tối rồi, nhưng còn khá sớm, buổi tiệc còn chưa bắt đầu nữa. Tôi cũng chưa say và chỉ đang chơi bình thường", anh nhớ lại.

Một năm sau tai nạn, Zhang đã hồi phục một số chức năng vận động của mình

Sau đó, Zhang nhảy xuống bể bơi và không thể cử động được nữa. Tỉnh dậy trong phòng chăm sóc đặc biệt, Zhang biết mình đã bị chấn thương cột sống và liệt từ cổ trở xuống. Quanh người anh đều là máy móc.

Sau một tháng với vài cuộc phẫu thuật, Zhang được chuyển đến một cơ sở phục hồi chức năng. Tại đây, mục tiêu của anh không còn là xây dựng công ty nữa, mà là thở không cần máy, gập bụng mà không buồn nôn và uống nước.

"Công ty từng là cả cuộc sống của tôi. Nhưng giờ, nó không phải là ưu tiên nữa", anh nói.

Tháng 8/2016, Zhang đã đủ khỏe để tự ăn và chuyển từ xe lăn tự động sang xe lăn điều khiển bằng tay. Dù vẫn mất 4-5 giờ mỗi ngày để trị liệu, Zhang đã bắt đầu tham gia lại vào hoạt động của công ty. Một tháng sau đó, anh đã sẵn sàng làm việc. Tuy nhiên, hai đồng sáng lập của Envoy lại cho biết họ có kế hoạch đóng cửa công ty.

Trong thời gian Zhang trị bệnh, công ty không có tiến triển. Vấn đề nằm ở chỗ Zhang là người làm việc với các nhà đầu tư. Và khi anh vắng mặt, những người đồng sáng lập đã rất vất vả với vai trò mới. Công ty mất phương hướng, và văn hóa cũng thay đổi.

"Nó là một cú sốc lớn với tôi. Vì tôi chỉ vừa mới quay lại, và nhận thấy mọi người đều đang thất vọng. Cả công ty đều khủng hoảng", Zhang nói.

Xoay chuyển tình thế

Zhang vẫn cố gắng lạc quan về tương lai công ty. Tuy nhiên, việc này ngày càng trở nên khó khăn. Khi các nhà đồng sáng lập ra đi, và những nhân viên còn lại mất phương hướng, anh chỉ còn hai cách: đóng cửa hoặc bán công ty.

Zhang đã chọn cách hai, và đề nghị một số nhân viên Envoy nhận nhiều nhiệm vụ hơn để bù lại khoảng trống lãnh đạo. Khi năm học mới sắp bắt đầu, Zhang cũng thực hiện kế hoạch đưa dịch vụ sang nhiều trường đại học khác. Họ đã mở rộng tới 16 trường và có hơn 1.500 nhân viên là sinh viên trên cả nước.

Là CEO, Zhang phải rất tập trung vào việc nâng cao nhuệ khí và hồi sinh văn hóa công ty. Anh đã tạo ra một hệ thống mới, khuyến khích các ký túc xá trong hệ thống của Envoy cạnh tranh về số đơn hàng mỗi tuần với nhau.

Khi Envoy bắt đầu có đà tăng trưởng, Zhang tìm đến các cố vấn cho kế hoạch bán công ty. Hôm qua, anh thông báo bán công ty cho một hãng giao đồ ăn khác - JoyRun. Số tiền trong thương vụ này không được tiết lộ. Zhang cùng hai người bạn trong Envoy cũng sẽ chuyển sang làm cho JoyRun.

Thương vụ này là chiến thắng lớn với Zhang, nhất là sau bước ngoặt năm ngoái. Và dĩ nhiên, Zhang cũng không có kế hoạch dừng lại.

Trong thời gian nằm tại bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng, anh vẫn suy nghĩ như một doanh nhân. Anh nhận ra các quy trình "kém hiệu quả" trong hệ thống chăm sóc y tế có thể được cải thiện nhờ công nghệ. Zhang không hề ngần ngại khi nói về kế hoạch lập công ty mới: "Cảm giác làm chủ thứ gì đó là tuyệt vời nhất. Tôi đã có một quyển sổ đầy ý tưởng mới rồi"./.