Làm nông nghiệp công nghệ cao là việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm đem lại năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Làm nông nghiệp công nghệ cao không phải chỉ là dựng lên nhà kính, nhà lưới hay hệ thống tưới tiêu... tự động mà nó còn là sự kết hợp với việc giảm khai thác tài nguyên, thân thiện với môi trường, tiết kiệm mà hiệu quả... Tức là phải bảo đảm hài hòa cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường.

vov_nong_nghiep_sgzh.jpg
Trồng hoa tại Dalat Hasfarm

Bài viết trước chúng tôi đã phản ánh tỉnh Lâm Đồng đi đầu và đang là điển hình thành công làm nông nghiệp công nghệ cao. Từ điểm sáng này, cụm từ “làm nông nghiệp công nghệ cao” đang lan tỏa mạnh mẽ sức hấp dẫn của nó tới “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp).

Từ thành công của Lâm Đồng, nay nói đến nông nghiệp công nghệ cao là người ta tin ngay vào sự thật có những nông hộ thu nhập tiền tỷ từ ruộng vườn. Và tất nhiên, để có thể đút túi tiền tỷ thì trước tiên những người nông dân ấy phải rất dấn thân, dám nghĩ, dám làm và “chịu chơi” khi đầu tư tiền tỷ để xây dựng nhà kính, nhà lưới, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đặc biệt là luôn có thái độ không ngừng cầu thị “hi-tech”.

Giấc mơ làm ruộng thu tiền tỷ đã thành hiện thực khá phổ biến ở tỉnh Lâm Đồng. Nhưng liệu giấc mơ ấy có thành hiện thực ở mọi địa phương khác, nhất là trong bối cảnh khắp các tỉnh, thành và cả hệ thống chính trị nước ta dường như đang hừng hực khí thế làm nông nghiệp công nghệ cao?

Trồng hoa theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tại làng hoa, rau Vạn Thành, TP. Đà Lạt

Chính sách đã mở lối...

Nhằm thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp của Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Mục tiêu của Chương trình này là thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Đến nay, đã có nhiều chính sách liên quan từ Chính phủ và các bộ, ngành được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: Trong thời gian gần đây, nhất là từ khi ngành nông nghiệp thực hiện đề án tái cơ cấu đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm; đang trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng, địa phương.

Mô hình canh tác nông nghiệp quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng

Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 575 phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 8 khu đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có "gói" tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Đó là hàng loạt chính sách gắn sát sườn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nó có tính chất mở đường từ năm 2012 để phát triển, nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước. Còn so với tỉnh Lâm Đồng thì chính sách đã “đi sau”. Bởi từ năm 2004, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động mày mò làm nông nghiệp công nghệ cao. Và những thành quả Lâm Đồng có được hôm nay là đã phải trả giá cả chục năm vừa làm vừa tìm đường.

Nhưng dẫu sao, các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao này ra đời thể hiện tư duy nhà quản trị nền nông nghiệp không bị đi lệch đường với xu thế của nền nông nghiệp thế giới. Chuyên gia nông nghiệp người Đức, ông Chris Schmiz, Giám đốc một nông trại hữu cơ khoảng 700ha ở Ba Lan, cho hay: Muốn tiến ra toàn cầu, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều đó, làm nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu.

Từ động lực chính sách đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp.

... đến mô hình nở rộ

Khi chủ trương, chính sách pháp luật đã được “kích hoạt” cho mục tiêu phát triển một lĩnh vực nào đó, lại có thực tiễn những mô hình thành công thì trong nền sản xuất ắt gia tăng nhu cầu đi theo xu thế, làm theo mô hình. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng không ngoại lệ. Không chỉ ở Lâm Đồng có nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đang thúc đẩy cách làm này. Ở tỉnh Hà Nam và Thái Bình là hai trong số nhiều địa phương như thế.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó xác định mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa là tích tụ ruộng đất để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai quy hoạch được 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 500 ha và tập trung chủ yếu ở huyện Lý Nhân, Kim Bảng, Bình Lục, TP Phủ Lý. Quy hoạch này, tỉnh luôn xác định là quy hoạch mở. Trên cơ sở sự lựa chọn các điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Vườn trồng thử nghiệm rau sạch ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần An Phú Hưng, Hà Nam.

Công ty cổ phần An Phú Hưng là một trong nhiều doanh nghiệp đang dấn thân đầu tư vào làm nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam. Bà Nguyễn Thu Đang, Giám đốc Công ty cho biết, vốn là doanh nghiệp làm thương mại sản xuất bánh. Nhưng từ năm 2012 nhận thấy nông nghiệp sẽ có xu hướng phát triển tốt, nhu cầu người tiêu dùng hướng đến thực phẩm sạch gia tăng, cho nên Công ty đã “bẻ lái” định hướng phát triển sang làm nông nghiệp công nghệ cao là chính, còn sản xuất bánh là phụ. Vì thế, từ năm 2014, bà Đang gặp chuyên gia của Nhật Bản học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu làm thử nghiệm 1-2ha trồng rau sạch. Đúng lúc tỉnh Hà Nam có chủ trương thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao nên An Phú Hưng mạnh dạn xung phong và đã được chọn làm hoa tiêu.

Cùng với sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương, Công ty An Phú Hưng đã thuê tập trung được 22ha đất nông nghiệp tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, với thời hạn thuê 20 năm phục vụ sản xuất rau củ quả. Công ty đã phải đầu tư ban đầu 13 tỷ đồng, trong đó mất 10 tỷ cho san ủi mặt bằng và xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới, máy móc công nghệ phục vụ sản xuất. Qua thí điểm làm 2ha đã thấy hiệu quả đầu tư làm nông nghiệp của Công ty này lãi tầm 30%. Cách làm của An Phú Hưng là thuê đất của nông dân, rồi thuê nông dân làm cho mình.

“Làm nông nghiệp ban đầu tôi nghĩ đơn giản thôi, chẳng lẽ bà con nông dân làm được, mình là một doanh nghiệp lại không làm được à. Nhưng khi đi sâu vào làm mới thấy làm nông nghiệp công nghệ cao không đơn giản như thế. Hàng loạt vấn đề, khó khăn từ nhân lực, vốn, thời tiết, kỹ thuật...”- bà Đang chia sẻ. Đơn cử, nhu cầu khách hàng đặt hàng của Công ty hiện có thể đảm bảo đầu ra cho quy mô sản xuất khoảng 100ha -200ha cho riêng thị trường nội địa, nhưng chưa đáp ứng hết được, vì diện tích canh tác mới gom được 22ha.

Cũng đi theo xu thế, tại Thái Bình, ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, cả tỉnh đã có 132 tổ chức, cá nhân thực hiện việc tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa với tổng diện tích tích tụ được là hơn 740 ha. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo, rau quả tại địa phương này đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trung bình thường 1,3- 1,5 lần so với trước đó mà chưa được tích tụ ruộng đất.

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình.

Trong thời gian tới, Thái Bình đang định hướng triển khai tích tụ đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nhu cầu doanh nghiệp đầu tư làm lĩnh vực này rất nhiều, với nhu cầu đã vào khoảng 10.000 ha.

Những con số nêu trên cho thấy, nhu cầu đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao là có thực và đang nở rộ ở nhiều địa phương, có sự vào cuộc của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

... và, những cảnh báo

Nhưng thực tế nêu trên chưa đủ cơ sở để khẳng định xu hướng sẽ ngày càng “tốt dần đều” và phát triển bền vững nền nông nghiệp. Bởi những chỉ số lợi ích chính sách mở đường và hoạt động tích tụ ruộng đất, đầu tư nhà xưởng, lợi nhuận... mới chỉ là ban đầu. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã cảnh báo rằng, các địa phương hãy thận trọng khi xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi mỗi nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu, nhân lực, vật lực... khác nhau. Hơn nữa, định hướng nuôi trồng gì thì cũng nên trên cơ sở những nghiên cứu, tính toán, dự báo cụ thể nhu cầu thị trường, năng lực triển khai.

Chuyên gia nông nghiệp người Đức, ông Chris Schmiz, thì cảnh báo, “không phải ai cũng áp dụng được công nghệ cao vì chi phí rất đắt đỏ, đòi hỏi quy mô diện tích đất lớn. Nếu thuận lợi, nông dân phải có 30ha trở lên thì làm nông nghiệp công nghệ cao mới có hiệu quả rõ rệt.”

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, tại trang trại dâu tây Biofresh Farm của mình.

Và chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh học sạch (Biofresh Co. Ltd), chủ trang trại dâu tây Biofresh Farm tại Đà Lạt, cũng khuyến cáo: Làm nông nghiệp công nghệ cao, chớ chạy theo phong trào mà hãy thực tế. Quan trọng nhất là phải chú ý tới 3 yếu tố là lợi nhuận kinh tế, năng suất, thu hồi vốn nhanh. Không phải cứ tích tụ nhiều ruộng đất, sản xuất thật nhiều là ăn chắc thắng. Bởi còn phải phụ thuộc thị trường, cho nên hãy tỉnh táo và lựa chọn sản phẩm phù hợp, giảm thiểu rui ro từ thị trường. “Đơn cử, tôi chọn cây dâu làm còn vì thời gian thu hoạch ngắn, thu hồi vốn nhanh. Nếu thị trường bế tắc, quả dâu không bán tươi mà có thể chế biến ra chế phẩm khác”- chị Thủy chia sẻ.

Nhấn mạnh cảnh báo không làm theo phong trào, GS, TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng "chúng ta không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nước theo kiểu phong trào. Cũng không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của mình."

Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Hưng - đơn vị phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nam thì cảnh báo, “không sợ sản phẩm tốt làm ra mà không có thị trường tiêu thụ. Chỉ sợ nhất là mình làm ẩu mà mất thương hiệu.”

Những cảnh báo trên đây không phải quá lo xa, vì thực tế, sau 5 năm Việt Nam triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tính đến tháng 8 năm 2017, cả nước mới có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng thành lập (1 tại Hậu Giang và 1 tại Phú Yên); 01 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận tại Kiên Giang (sản xuất tôm thẻ chân trắng). Cả nước mới có 28 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có "gói" tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhưng tỷ lệ vốn giải ngân cho vay mới khoảng 30%.

Dây chuyền phân loại và đóng gói hoa tươi tại Dalat Hasfarm

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết quả chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, tổ chức sản xuất vẫn không đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất, sự gắn kết giữa KHCN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn.

Việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc và phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng kế hoạch đã đề ra. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư./.

Cùng loạt bài:Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai

Bài 2: Tránh bệnh phong trào

Bài 3: Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực

Bài 4: Doanh nghiệp phải là nòng cốt, thị trường là mục tiêu

Bài cuối: Cần “4 nhà” cùng dấn thân