Bắc Kạn là tỉnh miền núi, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, áp dụng mô hình tăng gia sản xuất, trồng trọt hiệu quả cao là điều cần thiết giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương vẫn đang loay hoay tình đầu ra cho nông sản, nhất là trong thời điểm chính vụ Đông như hiện nay.

rau-1.jpgAnh Tô Văn Nam đang chăm sóc vườn rau
Nhìn những luống rau màu: bắp cải, xu hào, xà lách, cải cúc, cà chua... xanh mướt của gia đình bà Chu Thị Tỷ, thôn Nà Phẩn, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn mới thấy hết niềm vui của người nông dân. Bà Tỷ cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình dựa chủ yếu là cây ngô, cây lúa nên gặp nhiều khó khăn, cảnh thiếu đói diễn ra triền miên, nhất là trong những ngày giáp hạt. Từ năm 2008 đến nay, nhờ được cung cấp vốn, cây giống, kỹ thuật sản xuất từ Dự án trồng rau an toàn và nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, gia đình bà mạnh dạn mở rộng diện tích trồng trọt với khoảng 3000m2 đất. Nhờ vậy, nguồn rau xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình mà còn đem bán, gia đình bà thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Bà Chu Thị Tỷ nói: “Ngày trước chưa được hỗ trợ, gia đình tôi đi tìm rau trên rừng. Giờ được Trung tâm khuyến nông của xã hỗ trợ, có nương ruộng gần nhà làm được rau bán, tôi mới biết làm rau là có thu nhập”.
Bà Chu Thị Tỷ chuẩn bị rau ra chợ bán
Giá trị kinh tế từ trồng rau vụ Đông là không thể phủ nhận ở huyện Pắc Nặm, nên từ nhiều năm nay, gia đình anh Tô Văn Nam, ở xã Bộc Bố vẫn chú trọng phát triển cây rau màu, nhất là cây vụ Đông.

Ước tính mỗi năm thu nhập từ rau của gia đình anh Nam từ 20 đến 30 triệu đồng. Được biết, để đảm bảo thời gian cho sản xuất vụ Đông, trước đó anh Nam đã sử dụng những giống cây ngắn ngày cho vụ xuân và vụ mùa. Anh Nam cho biết: “Trong vụ Đông này, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đòi hỏi phải có sự tính toán hợp lý về khung thời vụ và tốn nhiều công chăm sóc, vun trồng, nhưng sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng ngô hay lúa, nhưng khó khăn nhất với bà con vẫn là khâu tiêu thụ”.

Anh Tô Văn Nam chia sẻ: “Trước đây chúng tôi cày cấy, không đủ ăn. Bây giờ có dự án rau an toàn, cung cấp giống, kỹ thuật, tôi cũng biết được kinh nghiệm cũng kỹ thuật gieo trồng, biết được cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Khó khăn đối với chung tôi hiện nay là nếu trồng lớn, đầu ra khó, mình ít thế này mỗi buổi một gánh ra chợ bán. Giá sử trồng một loạt thì việc tiêu thụ cũng rất khó khăn”.

Bà Lê Thị Nương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Pắc Nặm cho rằng: Dự án trồng rau 3 vụ đem lại hiệu quả 70 triệu đồng/ha hoàn toàn có thể thực hiện. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, gần 10 ha trồng rau màu trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, do đó, muốn mở rộng thì phải quan tâm đến thị trường đầu ra cho sản phẩm. Thêm vào đó, mỗi ngày có một lượng lớn rau xanh được các thương lái vận chuyển từ dưới xuôi lên để tiêu thụ. Vì thế, bài toán về tiêu thụ rau ở huyện Pắc Nặm vẫn đang tìm lời giải.

Các cấp, các ngành chức năng ở Pắc Nặm cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nhận thấy lợi ích từ sản xuất rau màu, đồng thời có cơ chế, chính sách giúp người dân tìm thị trường tiêu thụ. Có như vậy thì việc sản xuất rau màu ở Pắc Nặm mới phát triển bền vững và đem lại thu nhập cao cho bà con./.