Dân khốn khổ vì ô nhiễm
Theo phản ánh của các hộ dân tại thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang), nhiều năm qua hoạt động khai thác đất, đá của công ty Hoàng Dương tại mỏ đồi Hố Thông và mỏ Hòn Tròn rầm rộ không kể ngày đêm, liên tục gây ồn ào, bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác tận diệt ở đây còn gây rung chuyển lớn, nứt nhà dân. Các phương tiện vận chuyển đá ở đây đều là quá khổ quá tải, di chuyển với tốc độ cao trong khu dân cư gây mất an toàn giao thông. Hằng ngày, những tiếng ồn từ động cơ máy múc công xuất lớn lẫn tiếng gầm rú còi xe khiến người dân luôn cảm thấy bất an, lo lắng.
Ông Nguyễn Duy Kiên, 67 tuổi, ở thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý (Lục Nam, Bắc Giang) bức xúc cho biết, gia đình ông là hộ gần nhất với mỏ đất, ngày ngày, gia đình ông Kiên lúc nào cũng phải đóng cửa. Cứ chỗ nào hở thì phải chèn giẻ, khăn vào để ngăn bụi đỡ bay vào trong nhà, nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào, còn qua 1 đêm thì bụi đã phủ 1 lớp dầy trên sàn nhà.
“Quần áo phơi bên ngoài nếu không rũ ra vẫn có bụi bám vào. Họ khai thác không kể ngày đêm khiến người dân giật mình, nhà cửa rung lắc, đùng đùng. Gần như nhà dân nào cũng nứt hết. Hơn nữa, đường dân sinh thì toàn xe cỡ lớn, quá trọng tải ra vào thu mua đá làm hỏng hết đường”- ông Kiến bức xúc cho biết.
Cùng chung nỗi bức xúc và lo âu, bà Nguyễn Thị Dung có nhà nằm sát mặt đường QL37 cho biết, từ ngày Công ty Hoàng Dương và các công ty khác về thôn Hố Trúc khai thác đất đá, tàn phá núi đồi trong thôn cùng các máy đào, máy xúc, xe trọng tải lớn hoạt động ngày đêm khiến cho ngôi nhà bà bị rung chấn, tường nhà nứt gãy, bụi bám đầy nhà.
“Cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình bị ngột ngạt khó thở, thường xuyên mắc nhiều bệnh về đường hô hấp. Không những vậy, hàng ngày đoạn đường QL37 qua thôn Hố Trúc thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông rất nghiêm trọng bởi các binh đoàn xe trọng tải lớn chở đất đá chạy qua đây. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền thôn, xã và huyện nhưng không ăn thua gì cả”- bà Dung chia sẻ.
Tại thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý, cả quả đồi Hố Thông đã bị máy xúc của công ty Hoàng Dương đào xới tan hoang đến cốt không và có nhiều chỗ xuống quá cốt âm. Bên trong là cả một công trường khai thác đất đá rầm rộ, từng đoàn xe trọng tải lớn ùn ùn nối đuôi nhau ra, vào “ăn đất”.
Điều đáng nói là điểm khai thác đất này nằm ngay sát Quốc lộ 37 cũng như là nằm lưng chừng dốc cua rất khuất tầm nhìn. Mỗi khi có xe ra vào đã chiếm trọn cả bề ngang con đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Đất từ trên xe không được che chắn cẩn thận, rơi vãi đầy đường, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Chưa dừng lại ở đó, tại điểm khai thác mỏ đất Công ty Hoàng Dương có dấu hiệu khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép, vượt trữ lượng, không có hệ thống trạm cân, không có camera giám sát trữ lượng nên nguy cơ gây thất thoát ngân sách cho nhà nước là rất rõ ràng.
Theo chân những chiếc xe chở đất, phóng viên không khỏi bất ngờ vì hướng đi của các xe này chủ yếu là vận chuyển sang địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau gần 20km theo đoàn xe này, phóng viên đã ghi nhận được điểm đổ là một số dự án trên địa bàn thành phố Chí Linh.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Văn Thạch - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lý (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) thừa nhận, việc công ty Hoàng Dương khai thác đất đá ở thôn Hố Trúc gây ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép, vượt trữ lượng và vận chuyển đất đá sang địa bàn tỉnh Hải Dương là đúng như người dân phản ánh.
“Mỏ đất ở thôn Hố Trúc đang được công ty Hoàng Dương do ông Hoàng Văn Hiện làm giám đốc được cấp phép khai thác để lấy đất, đá san lấp làm hạ tầng đường vành đai 5. Từ khi công ty Hoàng Dương hoạt động đến nay đã 3 lần bị phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Nam; Sở Tài nguyên và Môi trường; Công an tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm về môi trường và khai thác đất đá quá phạm vi được cấp phép”- ông Thạch nhấn mạnh.
Những năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều dự án với lý do “cắt tầng, san gạt cốt nền”… để được cấp phép “chóng vánh”. Mục đích chính là xúc đất đồi đi san lấp mặt bằng và bán cho các chủ lò làm gạch. Điều lạ là, các mỏ đất này đều không bị ràng buộc cụ thể bởi Luật Khoáng sản, không tổ chức đấu giá cấp quyền. Chỉ bằng những “mảnh giấy” chớp nhoáng mấy tháng là các “chủ mỏ” mặc sức chở đi. Mà thực tế không biết họ chở bao nhiêu khoáng sản đi đâu, điển hình như việc cấp phép cho công ty Hoàng Dương ở thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý (huyện Lục Nam).
Trước thực trạng đó, ngày 12/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề xuất chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm, phê bình người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm mà không ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.
VOVVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.