Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc được Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII mới đây ghi rõ: "Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu mới, phát triển mạng thông tin thế hệ mới, mở rộng ứng dụng 5G, xây dựng các cột sạc điện, phổ cập xe ô tô năng lượng mới, kích thích nhu cầu tiêu dùng mới, hỗ trợ nâng cấp ngành nghề."
Đây là lần đầu tiên khái niệm "cơ sở hạ tầng kiểu mới" được đưa vào báo cáo Chính phủ sau lần đầu xuất hiện hồi tháng 12/2018 tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương của Trung Quốc. Việc phát triển hạ tầng mới này được cho là sẽ tạo động lực và tiềm lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho nước này phát triển nền kinh tế số và thông minh, nâng cấp ngành nghề truyền thống; chuyển đổi phương thức tăng trưởng, giúp kinh tế Trung Quốc phát triển chất lượng cao và sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội ở nước này.
Các ứng dụng của cơ sở hạ tầng mới như 5G, trí tuệ nhân tạo... được Trung Quốc đánh giá là đã phát huy vai trò quan trọng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đồng thời có thể giúp nước này tạo nhiều việc làm hơn - một trong những trọng tâm công tác hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong năm nay.
Ông Trương Vân Dũng, Ủy viên Chính hiệp (tức Mặt trận) Trung Quốc cho biết: "So với cơ sở hạ tầng truyền thống, cơ sở hạ tầng mới chủ yếu thể hiện ở việc số hóa, do vậy tôi còn gọi đây là cơ sở hạ tầng số, nó sẽ giúp thúc đẩy việc làm. Theo tính toán không đầy đủ, cơ sở hạ tầng số sẽ giúp tạo thêm hơn 7 triệu việc làm trong ngành công nghệ thông tin cùng hàng chục triệu việc làm gián tiếp thuộc các ngành của kinh tế số".
Theo dự tính của Công ty chứng khoán Hải Thông Trung Quốc (Htsec), riêng trong năm nay, đầu tư của nước này cho cơ sở hạ tầng mới có thể lên đến 3.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 420 tỷ USD), trong 5 năm tới riêng đầu tư trực tiếp là 10.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 1.400 tỷ USD)./.