Thời gian gần đây, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh việc Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác, nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam với quảng cáo "Made in Việt Nam - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang và nghi ngờ về những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vốn đã có uy tín trên thị trường.
Quảng cáo gây khó hiểu
Phản hồi với báo chí về những cáo buộc liên quan đến những sản phẩm của doanh nghiệp được cho là “mập mờ” về nguồn gốc xuất xứ, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam vẫn khẳng định rằng, theo quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp Việt Nam mua linh kiện từ nước ngoài và đưa về Việt Nam để lắp ráp thành thành phẩm tại lãnh thổ Việt Nam thì sản phẩm đó được phép ghi “Made in Vietnam”.
Ông Tam cũng nêu rõ, theo pháp luật hiện hành thì chưa có quy định rõ về việc một doanh nghiệp phải sản xuất hoặc nhập khẩu bao nhiêu linh kiện thì mới được ghi “Made in Vietnam”. Nhà nước cũng chưa quy định sản phẩm của một thương hiệu khi sử dụng 60% hay 70% linh kiện nước ngoài là không được ghi “Made in Vietnam”.
Dây chuyền lắp ráp sản phẩm ti vi tại Asanzo. Ảnh: Asanzo. |
Chính vì thế theo lý giải của ông Tam, trong 1 chiếc tivi của Asanzo có khoảng 70% linh kiện là nhập khẩu và 30% linh kiện được sản xuất trong nước. Giống như nhiều công ty điện tử lớn trên thế giới, Asanzo đặt hàng và nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc theo yêu cầu của riêng Asanzo, sản xuất và lắp ráp, hoàn thiện những phần còn lại của sản phẩm là không vi phạm pháp luật.
Bình luận về sự việc này, một chuyên gia trong lĩnh vực điện tử cho biết, trong xu hướng hiện nay, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, việc một doanh nghiệp tạo ra thương hiệu sản phẩm có xuất xứ từ nhiều quốc gia là điều hoàn toàn bình thường.
Cụ thể là một thương hiệu sản phẩm có thể được tạo ra từ nhiều nhà cung cấp tại các quốc gia khác nhau nhằm tận dụng các lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Trong trường hợp của Asanzo, việc kết nối vào chuỗi cung ưng để nhập khẩu linh kiện với một tỷ lệ nhất định sau đó lắp ráp và gắn thương hiệu cung như xuất xứ “Made in Việt Nam” là điều mà nhiều thương hiệu của Việt Nam vẫn từng làm.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này thì thương hiệu sản phẩm của Asanzo phải đảm bảo đúng chất lượng đã cam kết với khách hàng. Điều khó hiểu ở đây là sản phẩm của Asanzo lại quảng cáo "Made in Việt Nam - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", trong khi phần lớn linh kiện lại được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, nếu không được giải thích cặn kẽ và có căn cứ cơ sở đúng theo quy định của pháp luật, Asanzo rất dễ bị hiểu lầm là lừa dối người tiêu dùng.
Gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, qua công tác giải quyết khiếu nại của Hội cho thấy, thời gian qua không ít sản phẩm hàng hóa quảng cáo đã gây nhầm lẫn, thậm chí cố tình ghi sai về xuất xứ gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Đối với việc làm của Công ty Asanzo, viện dẫn những quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, ông Hùng cho rằng, luật quy định quyền cơ bản của người tiêu dùng, đó chính là có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, về nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó, việc lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một trong những nghĩa vụ của người tiêu dùng.
“Một doanh nghiệp gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa và sản phẩm cung cấp bằng các hình thức khác nhau là hành vi bị cấm. Bất cứ tổ chức, cá nhân kinh doanh nào không chấp hành những quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều là vi phạm pháp luật”, ông Hùng nói.
Chính vì thế theo ông Hùng, để bảo đảm quyền của người tiêu dùng trong việc được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra làm rõ, nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì phải được xử lý nghiêm theo pháp luật.
Đồng thời qua vụ việc này, ông Hùng cũng khuyến cáo, việc để người tiêu dùng nhận biết thế nào là hàng Việt Nam để ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì việc làm rõ thế nào là hàng Việt Nam là điều cần thiết.
Cụ thể theo quy định hiện hành, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Tỷ lệ phần trăm giá trị là hàm lượng giá trị có được để coi là có xuất xứ tại một nước, một nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi diễn ra công đoạn sản xuất, gia công, chế biến cuối cùng; được xác định là phần giá trị gia tăng tính trên tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất, gia công, chế biến tại một nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ sau khi trừ đi giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu không thuộc nước hoặc nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ đó hặc giá trị nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa.
Với những quy định hiện nay, ông Hùng cho rằng cần có những quy định cụ thể khi ghi cụm từ “Xuất xứ Việt nam”; “Hàng Việt Nam”; “Made in Vietnam” trên sản phẩm, hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm đó đáp ứng được những tiêu chí gì, những cụm từ này không nên để doanh nghiệp tự ghi./.
Liên quan đến vụ việc của Asanzo, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Cục, Vụ, Viện có liên quan như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, các đơn vị liên quan cần có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam./.
Vụ Asanzo là làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm?