Sáng nay (29/9),tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra Đối thoại Chính sách cao cấp về phụ nữ và Kinh tế trong APEC với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn và đại biểu các nền kinh tế APEC.

vov_apec_ygit.jpg
Hội nghị Đối thoại Chính sách cao cấp về phụ nữ và Kinh tế

Tại Diễn đàn này, các đại biểu nghe và thảo luận về Báo cáo tóm tắt kết quả của các Hội nghị Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế; Hội nghị đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế; Khuyến nghị chính sách của các Trưởng đoàn; Thông qua Tuyên bố về Phụ nữ và nền kinh tế.

Tại buổi đối thoại, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết,  đến nay, APEC đã khẳng định vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: APEC cũng khẳng định bình đẳng giới là trung tâm của phát triển kinh tế và nguồn nhân lực. Sự hội nhập và nâng cao quyền cho phụ nữ đã có tác động mang tính dây chuyền tích cực và quan trọng đối với khu vực.

Các báo cáo cho thấy, nhiều nền kinh tế APEC đã thành công trong việc giảm bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua việc kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế-xã hội. Do đó, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các nền kinh tế APEC đã và đang hướng tới.

Nghiên cứu ở nhiều nền kinh tế cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng từ 2,4 đến 6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trong APEC đang phải đối mặt với kinh tế tăng trưởng chậm lại. Do đó việc thúc đẩy các cải cách kinh tế và tiếp tục đảm bảo các tiến bộ về kinh tế - xã hội là rất cần thiết.

"Các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững sẽ là chìa khóa để chúng ta thực hiện xóa nghèo, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển thân thiện với môi trường. Việc này cũng đòi hỏi phải có một nền quản trị quốc gia tốt hơn, có khả năng cung cấp các dịch vụ và phân bổ các nguồn lực một cách công bằng", ông Đào Ngọc Dung lưu ý./.