Bắt đầu từ ngày mai (5/10), Quyết định của Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc) chính thức có hiệu lực với mức thuế thấp nhất chỉ 3,07%, cao nhất lên tới hơn 37%. 

Đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cửa hội nhập thị trường thế giới, Việt Nam sử dụng biện pháp phòng vệ bằng việc áp thuế chống bán phá giá. Phóng viên VOV phỏng vấn bà Phạm Châu Giang, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - cơ quan điều tra vụ việc này về những tác động của quyết định áp thuế chống bán phá giá.

PV: Thưa bà, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội, nhập khẩu từ một số nước và vùng lãnh thổ. Vì sao Bộ Công Thương đưa ra quyết định này?

Bà Phạm Châu Giang: Vụ việc này bắt đầu từ cách đây hơn 1 năm, khi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhận đơn kiện của 2 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước là Công ty Posco VST và Inox Hoà Bình, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định.

ba_pcg_qmqg.jpgBà Phạm Châu Giang, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).
Trong vụ việc này, để áp thuế chống bán phá giá, chúng tôi căn cứ vào một số tiêu chí như có hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất nước ngoài vào Việt Nam; có thiệt hại với sản xuất trong nước.

Mục đích của việc áp thuế chống bán phá giá là lập lại cạnh tranh công bằng giữa hàng hoá nhập khẩu đang bán phá giá vào Việt Nam với hàng hoá trong nước. Điều này tuân thủ theo WTO để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất trong nước. Pháp lệnh Chống bán phá giá ra đời 10 năm rồi, nhưng giờ mới là vụ việc đầu tiên mà Việt Nam thực hiện vụ việc điều tra chống bán phá giá.

Trong khi đó, trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã bị các nước áp dụng thuế chống bán phá giá đến nay gần 100 vụ. Cho đến nay Việt Nam mới lần đầu tiên áp thuế chống bán phá giá cũng là tương đối chậm so với một số nước trên thế giới.

PV: Đến nay, chúng ta đã ghi nhận được phản ứng như thế nào từ các doanh nghiệp ở các nước và vùng lãnh thổ bị áp thuế chống bán phá giá?

Bà Phạm Châu Giang: Chúng tôi đã tính toán điều chỉnh lại thuế chống bán phá giá để phù hợp với số liệu thực tiễn. Kết quả cuối cùng phản ánh chính xác nhất thực tiễn điều tra và xử lý chống bán phá giá.

So với kết luận sơ bộ, có công ty thuế tăng lên, có công ty thuế giảm đi, điều này giống với các vụ điều tra chống bán phá giá khác trên thế giới, không có gì đặc biệt. Trường hợp trên 37% là do công ty này của Đài Loan (Trung Quốc) không hợp tác với cơ quan điều tra, nên cơ quan điều tra có thể sử dụng dữ liệu sẵn có để tính toán.

Trước khi ban hành quyết định cuối cùng, chúng tôi đã gửi dự thảo kết luận cuối cùng cho các bên liên quan. Trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài, đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của các nước về vụ việc này. Chúng tôi nhận được các ý kiến phản hồi và có giải trình cụ thể, điều chỉnh trong trường hợp ý kiến của họ có giá trị.

Cho đến thời điểm này thì chưa ghi nhận thêm ý kiến phản đối nào từ các bên liên quan cũng như đại diện của các nước hoặc vùng lãnh thổ.

PV: Cục Quản lý cạnh tranh có bình luận gì trước quan điểm  cho rằng, mức thuế này sẽ làm tăng chi phí đầu vào sản phẩm cuối cùng, đẩy giá bán lên cao và các đơn vị sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu?

Bà Phạm Châu Giang: Chúng ta phải hiểu bản chất hành vi chống bán phá giá là khi nước ngoài cố tình xuất khẩu vào Việt Nam thấp hơn giá bán thị trường trong nước của họ. Do đó, để lập lại cạnh tranh công bằng giữa hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá trong nước, cơ quan điều tra của các nước phải áp dụng mức thuế chống bán phá giá để đưa về mức độ cạnh tranh công bằng.

Hiện nay, có nhiều nước xuất khẩu thép vào Việt Nam, nhưng trong vụ việc này chỉ có 4 nước và vùng lãnh thổ bị áp thuế chống bán phá giá. Do vậy, doanh nghiệp trong nước không muốn mua hàng hoá các nhà sản xuất trong nước, thì có thể nhập khẩu từ các nước không bị đánh thuế chống bán phá giá. Thực tế, mức thuế này không ảnh hưởng quá lớn tới thị trường hạ nguồn mà sử dụng sản phẩm thép đang bị điều tra áp thuế này là đầu vào.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!./.