Giá 1 bát mì tôm ở sân bay Nội Bài đã giảm từ 40 - 50 nghìn đồng xuống còn 20 nghìn đồng, nhưng điều này chưa hẳn đáng mừng. Đằng sau câu chuyện về bát mì tôm và các loại dịch vụ khác có giá “trên trời” của Vietnam Airlines còn là câu chuyện khác, và đó là điều không dễ để Bộ trưởng Thăng có thể giải quyết được ngay như việc giảm giá của bát mì tôm. Đó là thái độ và cách thức giao tiếp, ứng xử của các tiếp viên sân bay hay nhân viên an ninh hàng không ở đây.

Những ai từng một lần đến sân bay Nội Bài đều có thể nhận ra rằng, “đặc sản” nụ cười như “mùa thu tỏa nắng” của những cô tiếp viên ở đây có lẽ chỉ còn trên những tấm poster. Giờ đây, hình ảnh dễ nhận thấy là những gương mặt không buồn cũng chẳng vui, không rõ cảm xúc và tâm trạng, giống như một cỗ máy đã được cài đặt một lập trình sẵn có. Hay những nhân viên an ninh mặt đầy nghiêm trọng hỏi hành khách như hỏi cung khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Tại sao bát mì tôm, chai nước, hay nụ cười ở đây lại “có giá” đến vậy? Tại sao các nhân viên ở sân bay cư xử với hành khách “lạnh” đến vậy? Một câu hỏi không khó để trả lời, rằng nó xuất phát từ sự độc quyền. Khi có sự độc quyền, dễ dẫn tới tình trạng áp đặt và tâm lý “mình là trên hết” mà mất đi yếu tố cạnh tranh lành mạnh cần có. Hành khách đến sân bay Nội Bài hẳn không có nhiều sự lựa chọn cho mình: Một là ăn bát mì tôm và chịu bị “chém” rất “ngọt”, hai là nhịn đói. Và bởi vậy, lâu nay, không ít người vẫn có tâm lý thà bị “chém” còn hơn bị đói. Mặc dù theo lẽ thường, giá cao cũng phải đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ tốt.

Từ câu chuyện về nụ cười hiếm hoi ở sân bay Nội Bài, bỗng nhớ tới một quy định mới đây của ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Sa thải cán bộ, công chức không biết cười, không đồng cảm với dân! Cần phải nhấn mạnh rằng, quy định này được đưa ra ở một tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012. Song, chính ông Bí thư này cũng thẳng thắn thừa nhận: vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục và làm tốt hơn mới có thể giữ hạng ở top đầu.

Việc “học cười” cũng đã được hô hào thực hiện ở nhiều nơi, nhiều ngành nhưng hiệu quả thực tế đến đâu, có lẽ còn phải cần thêm rất nhiều thời gian nữa để kiểm nghiệm. Trước đó, lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM cũng đã mở lớp tập huấn "học cười". Hơn 1.500 lượt cán bộ cảnh sát giao thông được tham gia học về văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ CSGT trong quá trình thi hành công vụ. Hay Bộ Y tế cũng từng quyết tâm chấn chỉnh y đức bằng 9 buổi tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cán bộ bệnh viện, trong đó, y bác sĩ phải học cách cười và nói cảm ơn bệnh nhân.

Ai cũng hiểu rằng, nụ cười được nói tới ở đây chỉ mang tính hình thức. Bởi không phải lúc nào, cán bộ, công chức Nhà nước cũng chỉ nhăm nhăm mỗi một việc là… cười, và với một lý do duy nhất là vì sợ bị… nghỉ việc hay trừ lương. “Nụ cười” ở đây chính là sự thân thiện, cởi mở, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến và đồng cảm với người dân. Nó phải xuất phát từ chính cái “tâm” của người cán bộ, công chức ấy. Và đó mới thực sự là “nụ cười” đẹp nhất mà họ cần phải học!./.