Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam vừa ký bốn hiệp định vay vốn với tổng trị giá 176 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực xúc tiến các dự án đối tác công – tư (PPP) và đầu tư hạ tầng cơ sở, nâng cao khả năng cạnh tranh của các thị trấn dọc các hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS), cải thiện công tác vệ sinh kiểm dịch và an toàn thực phẩm đối với các hoạt động thương mại và du lịch qua biên giới cũng như phát triển năng lực quốc gia để giảm thiểu những rủi ro và tác động của HIV tại các địa phương giáp biên giới với các quốc gia khác trong GMS.

dailothanglong1344591894.jpg
Việt Nam rất cần các nguồn vốn để phát triển hạ tầng (ảnh: Diễn đàn đầu tư)

Để tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng, ADB đã cung cấp một khoản vay trị giá 20 triệu USD Mỹ từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) để tài trợ cho Dự án Hỗ trợ Quan hệ Đối tác Công – Tư. Dự án sẽ sử dụng nguồn vốn này để thành lập một Quỹ Phát triển Dự án (PDF) nhằm giúp giới thiệu các dự án PPP có tính kinh tế ra thị trường. Các bộ và cơ quan của chính phủ sẽ sử dụng Quỹ PDF để tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị dự án PPP, bao gồm xây dựng các nghiên cứu tiền khả thi, các nghiên cứu khả thi toàn diện và thu hút sự tham gia của các tư vấn giao dịch, những người sẽ cấu trúc các giao dịch để kêu gọi khu vực tư nhân tham gia đấu thầu.

Với việc hoàn tất các cung đường bộ tại Việt Nam thuộc các hành lang kinh tế GMS chính, Việt Nam hiện tại cũng đang tập trung vào các tỉnh và khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của các hành lang nhằm tối đa hóa những lợi ích kinh tế có được từ việc tăng cường kết nối. Dự kiến điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế và khuyến khích đầu tư tư nhân vào các khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của hành lang. Việc phát triển một cách đồng bộ các khu vực biên giới có thể được Việt Nam và các nước GMS láng giềng cùng thực hiện. Một số khu vực đô thị cũng là những trung tâm tăng trưởng của các hành lang kinh tế GMS, vì vậy chúng cần được phát triển song song với các sáng kiến GMS.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thị trấn dọc Hành lang Kinh tế Đông – Tây và Hành lang Kinh tế phía Nam và hỗ trợ sự phát triển của các hành lang giao thông GMS trở thành các hành lang kinh tế sôi động, một khoản vay trị giá 130 triệu USD sẽ giúp đưa các thị trấn nằm trên hành lang, bao gồm Đông Hà, Lao Bảo và Mộc Bài, trở thành những trung tâm kinh tế thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường đô thị và tăng cường năng lực thể chế của các chính quyền địa phương và chính quyền tỉnh. Dự án Phát triển các Thị trấn trên Hành lang GMS sẽ tài trợ cho 10 tiểu dự án ở ba thị trấn này.

Thương mại trong GMS, trong đó có trao đổi thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam với các nước láng giềng, đang tăng trưởng nhanh chóng. Khách du lịch đến Việt Nam cũng đang ngày một gia tăng. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ tăng thêm các cơ hội cho trao đổi thương mại nhưng đồng thời cũng sẽ đem đến những thách thức về bảo vệ sức khỏe trước những nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Để hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực quản lý an toàn thực phẩm, ADB cung cấp một khoản vay 11 triệu USD từ Quỹ ADF để tài trợ cho Dự án Tạo thuận lợi Thương mại: Cải thiện Công tác Vệ sinh Kiểm dịch trong Hoạt động Thương mại GMS. Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng, củng cố và thực hiện các chương trình kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm, bao gồm việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngành du lịch và hợp tác và hài hòa hóa việc quản lý vệ sinh kiểm dịch trong khu vực đối với trao đổi thương mại các loại hàng hóa là thực phẩm trong GMS.

Cải thiện kết nối khu vực và hội nhập trong GMS đã góp phần đẩy mạnh các dòng dịch chuyển của người và hàng hóa qua lại biên giới. Tuy nhiên, kết nối và hội nhập kinh tế khu vực được đẩy mạnh cũng có thể đem lại nguy cơ cao hơn về khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS.

Để giải quyết lỗ hổng hiện tại trong việc tiếp cận một cách có hiệu quả đến những nhóm dân cư có độ rủi ro cao và dễ bị tác động dọc theo các hành lang kinh tế chung với các nước GMS khác, ADB và Chính phủ Việt Nam đang thực hiện Dự án Nâng cao Năng lực Phòng chống HIV/AIDS trong GMS. Được tài trợ bằng một khoản vay trị giá 15 triệu USD từ Quỹ ADF, dự án sẽ giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng năng lực quốc gia và năng lực vùng để giảm thiểu những rủi ro và tác động của HIV, trước tiên là tại 15 tỉnh biên giới của Việt Nam./.