Chiều nay (9/6), tại Hà Nội, Bộ Tài Chính họp báo về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm và giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước từ nay đến hết năm 2015.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 5 tháng qua, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 380 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi ngân sách Nhà nước đạt hơn 455 nghìn tỷ đồng, bằng gần 40% dự toán, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bội chi ngân sách trong thời gian này ước đạt gần 75 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 5, phát hành trên 94 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ đề bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển.
Tại buổi họp báo, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, Trước đây, nhà đầu tư thường mua trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và 15 năm. Nhưng đến thời điểm này, khi tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng hơn 4% thì nhu cầu đầu tư vào trái phiếu dài hạn có sự sụt giảm. Nhà đầu tư cho rằng, kinh tế vĩ mô chưa có sự chuyển biến rõ ràng và tích cực, có khả năng sẽ tăng lãi suất trái phiếu chính phủ.
Bà Phan Thị Thu Hiền phân tích: "Chúng tôi nhận định việc đánh giá của các nhà đầu tư này chưa có căn cứ. Trên cơ sở đó chúng tôi dự kiến đến cuối tuần này hiệp hội trái phiếu phiếu cùng với Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ trao đổi và cùng với các nhà đầu tư để đánh giá rõ hơn và chia sẻ các thông tin đầy đủ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như xu hướng điều hành lãi suất ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để hai bên cùng bộ tài Chính là cơ quan phát hành cũng như nhà đầu tư có khả năng gặp nhau về mặt lãi suất".
Trả lời câu hỏi về bội chi ngân sách tăng lên trong tháng qua, ông Phùng Quang Hải, Phó vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước cho biết, theo quyết toán của Bộ Tài Chính đã báo cáo với quốc hội, các khoản chi tiêu vẫn trong phạm vi số bội chi 5,3% đã được quốc hội quyết định. Trong đó có 2 khoản tăng lên chỉ gồm khoản 29 nghìn tỷ vốn ODA đã giải ngân cao hơn so với dự kiến, khoản thứ 2 là hơn 13 nghìn tỷ tiền nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng kiến nghị đưa vào xử lý bội chi.
Ông Phùng Quang Hải nói: "Hai khoản này trong quá trình thực hiện Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội giải ngân vốn ODA tăng lên. Chúng ta làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng và đẩy nhanh tiến độ để thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước nói chung cũng như đối với từng khu vực nói riêng, tập trung vào các dự án về đường và cầu Nhật Tân rồi đường sắt Hà Nội-Hà Đông, cảng Cái mép-Thị Vải... Chủ trương chúng ta tranh thủ thu hút nguồn vốn ODA của nước ngoài trong phạm vi các dự án đã cam kết thì sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất tốt đối với sự phát triển kinh tế của đất nước...".
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước, đảm bảo giữ vững cân đối ngân sách Nhà nước năm nay, Bộ Tài chính đã đề ra một số giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước từ nay đến hết năm, trọng tâm là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất-kinh doanh, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởn g kinh tế, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% đã đề ra; Kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo không vượt mức trần cho phép 65% GDP. Cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng các khoản vay trung, dài hạn và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay. Tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm..../.