Theo đó, mục tiêu của Đề án xử lý nợ xấu là tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.
Đề án sẽ tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, bao gồm nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ủy thác cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.
Theo đề án này, Thủ tướng giao 5 bộ, ngành gồm Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là các thành phần chủ lực, cùng với chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại thực hiện.
Cụ thể, NHNN được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, các cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, thành lập và phê duyệt điều lệ công ty VAMC.
Đối với các tổ chức tín dụng cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu, NHNN được thực hiện một số giải pháp như: Tiến hành thanh tra toàn diện, yêu cầu kiểm toán bắt buộc theo các nội dung do NHNN yêu cầu. Hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động. Hạn chế, đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng. Hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản.
Áp dụng một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định. Yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn. Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng…
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách miễn, giảm thuế liên quan đến mua, bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Phối hợp NHNN và các bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013 cơ chế và phương án xử lý nợ xấu của Ngân hàng phát triển Việt Nam, nợ xấu cho vay đối tượng chính sách, nợ xấu của DNNN. Bộ Tài chính cũng phải xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của chính phủ để xử lý nợ xấu của các đối tượng trên.
Trong năm 2013, Bộ Tài chính phải phối hợp cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ phương án xử lý nợ xấu của DNNN theo Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý đô thị, đầu tư, xây dựng, thị trường bất động sản để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, VAMC để xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ biện pháp đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu công cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, rà soát, bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành trong năm 2013 Thông tư liên tịch về xử lý tài sản đảm bảo để tạo điều kiện xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các địa phương cũng được giao nhiệm vụ phải phối hợp trong công tác xử lý nợ xấu.Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu, phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về xử lý nợ xấu. Xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Chủ động triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiềm chế nợ xấu gia tăng.10 giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu
Để xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai, các tổ chức tín dụng chủ động triển khai 10 giải pháp:
1- Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp;
2- Tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu;
3- Tiếp tục cơ cấu lại nợ;
4- Tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi;
5- Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm;
6- Thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm;
7- Hoán đổi nợ thành vốn;
8- Bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính;
9- Kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động;
10- Hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.