Việt Nam có bốn vị thánh được dân gian phong tặng là tứ bất tử: Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thần, Chử Đồng Tử và bà Đức Mẫu, Đệ nhất thiên tiên… được thờ khắp từ Bắc đến Nam với mấy trăm đền phủ, mà sùng kính nhất là ở phủ Giầy nơi sinh Bà và phủ Tây Hồ, Hà Nội nơi Bà hóa. Từ Đền Sòng phố Cát, vượt Đèo Ngang vào Quảng Nam, Nha Trang, Bình Định, nơi nào cũng có phủ thờ Bà. Tục thờ Mẫu đã phổ biến, thành một tín ngưỡng dân gian, đã vượt ra ngoài phạm vi thờ một nàng tiên trên thượng giới, bị Ngọc Hoàng đẩy xuống trần gian, đã từng lấy chồng, sinh con, đánh tan quân giặc ác, hai lần đầu thai kiếp người, sau cùng quy y nơi cửa Phật, thành người Mẹ, Mẫu nghi thiên hạ, chỉ đứng sau Mẹ Việt Nam đầu tiên: Âu Cơ.
Hà Nội là một trong mấy nơi có phủ thờ to nhất. Nhìn trên bản đồ, Hồ Tây có hình giống như chiếc càng cua, nơi bán đảo nhô ra mặt nước, mỏm xa nhất, đẹp nhất, quanh năm dập dềnh sóng nước, êm ả mây trời, lảng bảng sương lam, chính là phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Tương truyền Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đi sứ về, được gặp một nàng tiên trên địa đầu Lạng Sơn, tiên hẹn gặp lại nhau trong đêm trăng sáng trên Hồ Tây, Thăng Long. Đến hẹn, Trạng Bùng cùng mấy người bạn thơ trong thuyền lên bán đảo Tây Hồ, giai nhân, danh sĩ trùng phùng, tiên trần gặp gỡ, xướng họa thi ca, phun châu nhả ngọc, thù ứng tài tình… nơi gặp gỡ ấy sau này được dựng thành phủ thơ để nhớ đến nàng tiên, và đó chính là Bà Chúa Liễu.
Ngoài ngày hội chính thức, mở tại Phủ Giầy (huyện Vụ Bản, Nam Hà, nơi quê hương của Bà) các ngày 7 –8 –9 tháng Ba âm lịch thì phủ thờ Bà quanh năm nhang khói, đồng nhất là các ngày sóc vọng, mùng một và rằm theo lịch trăng.
Cũng như Phủ Giầy, Đền Sòng…, phủ Tây Hồ vào hội có hầu bóng, một loại hình nghệ thật dân gian vừa có âm nhạc, vừa có ca hát và vũ điệu với trang phục sặc sỡ, mà điển hình là điệu hát chầu văn đã khá phổ biến hiện nay. Những ngày hội như thế thật khó phân biệt ranh giới đâu là tín ngưỡng thờ Mẫu, người mẹ Việt Nam và đâu là mê tín dị đoan cần sàng lọc.
Phủ Tây Hồ không có quy mô lớn lắm, nhưng ở vào vị trí mây nước hữu tình tuyệt đẹp, tạo ra cảm giác lâng lâng, thanh thoát cho khách hành hương mà trong lòng mang niềm tục lụy cần được giãi bày, cảm thông và giải tỏa. Phủ có chiều cao vượt lên nhiều ngôi chùa thông thường khác, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế có Nam Tào Bắc Đẩu hầu hai bên, có tam Mẫu, đệ nhất là Mẫu Liễu Hạnh, đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn, đệ tam là Mẫu Thoải (tức là bà Chúa rừng và Bà chúa nước).
Con đường Nghi Tàm nổi lên vùng Nhật Tân, Quảng Bá, nay gọi là phố Xuân Diệu. Qua làng Nghi Tàm, rẽ trái vào phố Đặng Thái Mai dưới hàng phi lao rì rào ngày đêm, vượt qua khu biệt thự Tây Hồ, quanh co giữa những vườn hoa và quất cảnh, cuối đường ta gặp Phủ Tây Hồ, nằm sát ngay bên sóng nước.
Vào đến sân, qua cái cổng có vòm cong, thấy ngay cây vối cổ thụ nằm nghiêng đã mấy trăm năm như con kỳ lân ngóng ra sóng gợn, còn trong phủ là vàng son, nhang khói, tượng Mẫu, tượng Phật, tượng khu Sơn Trang, tượng Cô, tượng Cậu, các quan…
Mẫu Liễu đã “hóa”, đã thành bất tử. Loại trừ phần mê tín, ta gặp ở đây không khí linh thiêng, có phần sầm uất, náo nhiệt hơn các chùa đền khác, ngay cả chùa Trấn Quốc, Kim Liên gần kia. Thiện nam tín nữ tin vào Mẫu, đến cầu xin và hy vọng, có lúc phải chen nhau, nên nhang khói càng nghi ngút, ngay cả ngoài sân, chỗ có cây chuối thờ, buồng hàng trăm nải, giống chuối ở Phủ Giầy…
Trong tâm linh người Việt Nam, hình như bao giờ cũng có một khoảng dành cho tín ngưỡng thánh linh, tổ tiên, thần Phật. Phải chăng vì thế mà Phủ có lúc ồn ã hơn cả nơi đô hội, với đủ thành phần cùng trang phục từ cổ điển đến tân kỳ hiện đại?
Thờ Mẫu Liễu, một bà mẹ chung của người dân Việt, người tài sắc song toàn, đảm lược, lòng lành và đức độ, có cuộc đời giống vơi bao người phụ nữ bình thường khác, thân phận éo le, gian khó… đã thành phong tục đẹp của dân ta. Không những thế, Phủ Tây Hồ còn ở trên một vị trí cực đẹp, hiếm có, ngay giữa đô thành tưng bừng rộn rã mà chỉ ít phút nổ máy xe, đã từ trung tâm Hồ Gươm, đến với Phủ trong bầu không khí hoàn toàn khác.
Đến Phủ, không những là để tỏ lòng thành kính, thực hiện một ý nguyện cầu xin và giải tỏa nỗi niềm, thực hiện một nghi thức tâm linh… mà còn là để thư giãn tinh thần, thăm một cảnh đẹp, có nước mây thoát tục, một danh thắng hiếm có ngay giữa lòng Thủ đô Kẻ Chợ, gặp một chút xưa giữa nay, và tạm lắng nay lại để man mác cùng xưa, ru hồn mình vào mong ước tốt đẹp. Đến Phủ còn là điều tốt đẹp cho những ai ít có điều kiện và thì giờ đến những nơi xa xôi như Phủ Giầy (Nam Hà), Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Tiên (Lạng Sơn), Kiếp Bạc (Hải Hưng), Non Nước (Ninh Bình) hoặc những danh lam thắng cảnh xa xôi hơn nữa…
Nếu cạnh phố Huế có một Tràng An tự trong ngõ Tràng An tịch mịch, đầu đường Thanh Niên có Quán Thánh trầm tư, rồi chùa Kim Liên vắng vẻ… thì Phủ Tây Hồ bao giờ cũng rộn rã hơn nhiều.
Cũng không hiểu từ đâu và từ bao giờ, trên đường vào Phủ và ngay trước cổng, mọc lên hàng trăm quán hàng ăn uống và các thứ hàng mua bán khác, trong đó có món ăn Hà Nội: bún ốc. Nói đến Phủ, người ta nghĩ ngay đến bún ốc quá quen, cũng như nói đến bún ốc, người ta hỏi nhau ngay: Phủ Tây Hồ chăng? Đã hình thành một dãy phố dài ngay trên bán đảo, trước khi dẫn đến nơi đất thiêng này. Nó chẳng khác nào miếng vá trên tấm áo thiên tiên, cần u huyền thanh tao cho tâm linh bay bổng, nhưng lại níu kéo về mặt đất.
Một vùng Hồ Tây đang tự biến mình thành những cái gì đó có chỏm nhọn như những chiếc gai đâm vào nền trời, số phận bán đảo có chịu phần không?
Một lần đến Phủ Tây Hồ, nghe hồn xưa phảng phất vọng về, nghĩ đến tiên cảnh và thế gian, nhớ những anh linh người tài, kẻ sắc, lại được tắm mình vào giai điệu thiên nhiên kỳ thú… làm người Hà Nội thêm hân hoan về tinh thần. Bởi không ít người đến đây không phải để kêu cầu, không phải để đốt vàng mã…./.