Ngày hôm nay cũng như bao ngày khác, nhưng trong căn nhà trị giá hơn một tỷ đồng còn thơm mùi sơn của gia đình ông Vũ Anh Dũng, ở khu phố Hà Đông, phường 8, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) như vui hơn, rộn ràng hơn so với không khí vắng vẻ vốn có thường ngày. Hôm nay con cháu tập trung đầy nhà, vừa thưởng thức canh bún -món ăn đặc trưng của cư dân Hà thành, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện về sự đổi thay vượt bậc của thủ đô, về khó khăn, gian khổ của cha ông trong những ngày đầu khởi nghiệp…

Ông Vũ Anh Dũng cho biết, hai vợ chồng ông đều là thế hệ thứ hai của người Hà Nội được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất mà lớp cha ông đã khởi nghiệp từ hơn 75 năm về trước. Nghề trồng hoa là nghề cha truyền con nối, cùng với việc chịu khó học hỏi, áp dụng công nghệ hiện đại vào canh tác nên giá trị sản xuất ngày càng đạt hiệu quả cao, không chỉ giúp ông nuôi được các con ăn học đàng hoàng mà còn có của dư của để, đảm bảo đời sống gia đình ngày càng đầy đủ và sung túc hơn.

Cũng như gia đình ông Dũng, hầu hết những người con các thế hệ của người Hà Nội trên khu phố Hà Đông đều phát huy nội lực để khẳng định mình trên quê hương mới, lấy đó làm niềm tự hào để xứng danh là những người con mang gốc gác thủ đô.

Mặc dù đã là thế hệ người Hà Nội thứ 3 được sinh ra trên quê hương mới này, nhưng với anh Vũ Nhuần thì nơi đây chẳng khác nào là vùng đất của quê cha đất tổ, vẫn có miếu có đình, có tình làng nghĩa xóm, vẫn gắn bó với cái nghề trồng rau, trồng hoa bao đời do cha ông để lại… Đặc biệt, nhờ tình đoàn kết, sự quan tâm, thăm hỏi động viên của bà con Tây Hồ - Hà Nội với cộng đồng trên quê mới không ngừng được duy trì đã làm ấm lòng của những người con xa xứ.

Khi nói về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, dù không có điều kiện để về sum họp chung vui nhưng trong ánh mắt của mọi người đều ngời lên niềm tự hào, trân trọng. Anh Vũ Nhuần nói: “Những người xa xứ gốc Hà Nội ở đây vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. Xa quê, không tham dự được Đại lễ, ai cũng nhớ về Hà Nội. Mong muốn của cư dân Hà Nội tại Lâm Đồng là đóng góp công sức của mình để xây dựng được thương hiệu làng hoa Hà Đông hiện đang có mặt khắp trong và ngoài nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc…”

Thương nhớ về quê cha đất tổ, về mảnh đất hào hùng văn hiến ngàn năm bao nhiêu, thì trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người con xa xứ, sự nhớ thương ấy lại càng được tăng lên gấp bội khi bầu trời thủ đô yêu dấu đang tưng bừng náo nức chào đón đại lễ 1000 năm. Với tâm trạng buồn, vui xen lẫn, ông Vũ Anh Dũng ngậm ngùi: “Ngàn năm Thăng Long  - Hà Nội là ngày Đại lễ rất lớn. Chúng tôi luôn luôn theo dõi thông tin trên các phương tiện và ước muốn được có mặt trong Đại lễ. Tôi rất phấn khởi khi thấy Hà Nội ngày càng phát triển”.

Dẫu chỉ được cảm nhận không khí rộn ràng của phố phường thủ đô qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng trong tâm tưởng của mỗi người con trên vùng cao nguyên đất đỏ nơi đây đang dâng lên một cảm xúc dâng trào hướng về cội nguồn cha ông, về mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến./.