Chèo là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, trong đó tính “kỳ” là yếu tố quyết định làm nên thành công cho mỗi vở diễn. Như vậy, chèo viết về đề tài lịch sử có vẻ như mâu thuẫn bởi chèo cần “kỳ” mà sử thì thường đã rõ ràng “thanh thiên bạch nhật”. Nhưng sử vẫn là mảnh đất màu mỡ nhất, giàu có nhất để nghệ thuật chèo khai thác. Một minh chứng Liên hoan Sân khấu tới đây về đề tài lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có 12 vở diễn tham gia thì có đến 5 vở là chèo và đều khai thác đề tài lịch sử.

Năm vở chèo tham gia Liên hoan viết về 5 giai đoạn lịch sử khác nhau, do 5 đoàn nghệ thuật chèo thể hiện. Cả 5 vở đều giành giải cao trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Trước hết, xin nói về “Linh khí Hoa Lư” của Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSND Lê Hùng, do Nhà hát Chèo Ninh Bình dàn dựng. Vở diễn là 1 trong 2 vở giành Huy chương vàng cho vở diễn xuất sắc nhất tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010 tại Quảng Ninh. Lấy bối cảnh lịch sử những năm cuối cùng của nhà Tiền Lê, đức Vua đương triều Lê Long Đĩnh bệnh hoạn, bạc nhược, quan lại chia bè kéo cánh, trăm họ lầm than khổ cực, giặc ngoài thì lăm le bờ cõi. Lúc ấy, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, tuy bị nhiều oan trái, vợ con khốn khổ cùng cực, người thân bị sát hại nhưng vẫn một lòng một dạ phò tá nhà tiền Lê. Sau khi Lê Long Đĩnh qua đời, biết không thể phò tá một vương triều đổ nát và để thuận theo ý trời, chiều lòng người, Lý Công Uẩn đã lên ngôi vua, đặt niên hiệu là “Thuận Thiên”. Việc quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Đại La - Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ là hành động mà hậu thế muôn đời cảm tạ và biết ơn ông. Bằng lối diễn, cách hát đậm chất chèo, các nghệ sĩ Nhà hát chèo Ninh Bình đã dựng lại lịch sử một cách dày dặn, hoành tráng, bề thế, gây ấn tượng sâu đậm cho người xem.

Tiếp dòng lịch sử là “Bài ca giữ nước” của cố tác giả NSND Tào Mạt, do Nhà hát Chèo Quân đội dàn dựng đã gần 30 năm vẫn được người xem mến mộ. Vở diễn dựng lại giai đoạn lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của hai cha con Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Vua Lý Thánh Tông một hôm đi chơi hội ở đất Thổ Lỗi, gặp được một cô gái xinh đẹp, thông minh, tài trí, đang dựa vào gốc dâu để xem hội liền đón về làm vợ. Bà ỷ Lan vào cung, bằng tài trí, sự thông minh đã giúp Lý Thánh Tông nhiều phen dẹp loạn. Sau khi chồng mất, bà lại giúp con trai là Lý Nhân Tông giữ vững cơ đồ nhà Lý. Bên cạnh xây dựng hình tượng nguyên phi ỷ Lan, các tác giả vở diễn còn khắc hoạ thành công nhiều nhân vật lịch sử như: Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lý Thường Hiến… Đặc biệt, NSND Tào Mạt đã xây dựng thành công một nhân vật mà cho đến nay vẫn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu chèo sau Cách mạng tháng 8, đó là Hề Hoạn. Thành công của “Bài ca giữ nước” đã khẳng định làm chèo lịch sử mà làm hay, hấp dẫn thì không chỉ thoả mãn thị hiếu nghệ thuật của khán giả mà còn giúp cho người xem có một cái nhìn sáng rõ hơn về lịch sử.

Mai-Van-Lang-1.jpg

Tiếp sau triều Lý, nhà Trần nối nghiệp với những chiến thắng lẫy lừng chống ngoại xâm. “Thần đồng đất Việt” của Trần Đình Ngôn, đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ do Nhà hát chèo Nam Định dàn dựng. Đây là vở diễn kể về vị trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam: Nguyễn Hiền. Tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc dưới sự lãnh đạo của nhà Trần không chỉ thể hiện bằng lối đánh giặc tài tình, khéo léo, uyển chuyển mà còn thể hiện qua con đường ngoại giao đầy chất trí tuệ. Sự thông minh của Trạng Hiền giải câu đố của sứ nhà Nguyên không chỉ là sự thông minh của một vị trạng nguyên trẻ tuổi mà nó là kết tinh của sức mạnh và trí tuệ, của “Linh hồn Đại Việt”. Vở diễn hấp dẫn người xem ở nhiều tích trò, lối diễn xuất hồn nhiên của nghệ sĩ trẻ Thanh Vân trong vai Nguyễn Hiền.

Theo dòng lịch sử, tiếp tục đến với nhà hậu Lê qua vở diễn: “Ngọc Hân công chúa” của Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Thuý Mùi, Đoàn nghệ thuật 3 Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng. Với phong cách dân gian nhuần nhuyễn,... ... “Ngọc Hân công chúa” là vở diễn đậm chất Hà Nội. Đậm không chỉ bởi tác giả sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, không chỉ bởi do các Nghệ sĩ của Nhà hát chèo Hà Nội dàn dựng mà người đảm nhận vai Ngọc Hân là nghệ sĩ Thu Hằng cũng là người Hà Nội gốc, mà đậm chất Hà Nội còn ở trong từng chi tiết của vở diễn. Đặc biệt là cảnh Ngọc Hân đưa Nguyễn Huệ đi thăm Văn Miếu, Quốc Tử dám, dạo thuyền trên sông Tô Lịch, thăm làng hoa Ngọc Hà. Nét Hà Nội thể hiện rất đậm, giầu chất thơ qua vai bà vú, cô hầu gái, thầy đồ Vũ An, đặc biết là nét dịu dàng, đoan trang, thuỳ mị của công chúa Ngọc Hân. Nét văn hoá Thăng Long đã làm Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ choáng ngợp không muốn trở về Nam.

Và cuối cùng là “Những vần thơ thép”, của Trần Đình Ngôn, đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ, vở diễn duy nhất của nghệ thuật chèo lấy Hồ Chủ tịch làm nhận vật trung tâm. Vở diễn lấy cảm hứng từ những bài thơ trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Từ những dòng nhật ký bằng thơ đầy “chất  thép”, các tác giả của vở diễn đã sáng tạo nên một vở diễn xúc động, đậm chất chèo, thể hiện được hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thân thuộc gần gũi, giản dị, rất đời thường nhưng cũng hết sức kiên trung, đấu tranh đến cùng vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công dân số 1 của đất nước ta, của Thủ Đô Hà Nội  trong vở chèo làm xúc động người xem.

Sức hấp dẫn của 5 vở chèo trên, ngoài sự chân thực lịch sử còn có một yếu tố hết sức quan trọng, đó là chất sử thi trong mỗi vở. Các nhân vật không chỉ là anh hùng kiệt xuất mà còn là nhân vật trữ tình: Tình cảm tha thiết của Lý Công Uẩn với vợ con trong “Linh khí Hoa Lư”, nỗi đau của Nguyên phi ỷ Lan khi biết người hại mình chính là Thị Lộc, người em cùng mẹ khác cha trong “Bài ca giữ nước”, cảnh mẹ con Nguyễn Hiền trong “Thần đồng đất Việt”, cảnh Ngọc Hân dẫn Nguyễn Huệ đi dạo đất Thăng Long, đặc biệt là những cảnh trong ngục tù của Hồ Chí Minh trong “Những vần thơ thép”… đều là những cảnh chan chứa tình cảm, đậm chất chèo. Nó vượt ra ngoài những tư liệu lịch sử và làm nên giá trị của các vở diễn./.