Thoạt mới nhìn vào vấn đề thì thấy có gì đó kỳ kỳ. Nhưng suy nghĩ cho cùng thì vi phạm hay không phải là quyền quyết định của đại học A. Nếu một nhân viên có hợp đồng làm việc toàn thời gian (40 giờ/tuần) cho một công ty thì cuối tuần có quyền đi làm thêm và tạo dựng tài sản (trí tuệ hay vật chất) cho một công ty khác và có thêm thu nhập hay không? Vi phạm hay không thì công ty nơi bạn ấy làm việc toàn thời gian có quy chế rõ ràng về việc này để tạo ra hành lang pháp lý (hay là ranh giới để biết là có vượt hay không)?. 

Ở các đại học Mỹ, ngày đầu tiên khi đến làm việc, các GS phải ký một bản thỏa thuận trong thời gian làm việc toàn thời gian ở đại học ấy, tất cả kết quả nghiên cứu hay bài viết là tài sản trí tuệ của trường. Tuy nhiên trường ĐH Mỹ chỉ trả lương có 9 tháng/năm cho việc giảng dạy, do đó trường cho phép các GS của mình đi tư vấn cho các công ty ở ngoài, cộng tác với doanh nghiệp hay các đơn vị NCKH khác trong và ngoài nước, hay tập trung nghiên cứu với kinh phí từ các quỹ NCKH.... để kiếm thêm thu nhập nhưng tổng thời gian không được quá ba tháng (tính theo giờ làm việc). 

Tùy theo cơ chế của quỹ NCKH mà GS có thể rút tiền ngân sách đề tài để trả lương cho mình. Đa số các quỹ có ngân sách từ thuế không cho phép rút quá 3 tháng lương, không cần biết là kinh phí cho tất cả các đề tài đó lớn bao nhiêu. Do đó khi GS đi nghiên cứu hợp tác với đơn vị khác thì phải để địa chỉ trường của mình trước và địa chỉ của trường hay đơn vị mình cộng tác trên các bài báo nghiên cứu khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học. Quy chế đã có, nếu làm sai thì vi phạm và có thể sẽ bị hủy hợp đồng lao động.

Nếu trường đại học A trên không có một quy chế nào để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thì việc GS Nam điền tên một đơn vị khác trên bài báo khoa học (nêu tên đơn vị có chủ quyền tài sản trí tuệ của bài báo đó) thì không có hành lang pháp lý để nói GS Nam vi phạm. 

Nếu GS Nam ký hợp đồng với trường Đại học A chỉ dạy các lớp và không nói gì về nghiên cứu khoa học và về tài sản nghiên cứu khoa học thì GS Nam hoàn toàn có quyền "đi làm thêm" ngoài trách nhiệm với trường đại học A. Ở Việt Nam, các GS còn đi giảng dạy ở các đại học khác để có thêm thu nhập. Nếu dựa trên quy chế của đại học Mỹ thì họ có thể vi phạm cơ chế của trường nếu nó ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và làm việc của họ với trường như tổng số giờ dạy thêm quá 3 tháng/năm theo quy định nêu trên.

Tôi hy vọng đóng góp góc nhìn cá nhân của mình, một GS đã làm việc toàn thời gian và nghiên cứu ở một đại học Mỹ 30 năm, vào vấn đề hiện đang xôn xao này.

** Tên của GS này đã thay đổi để tôn trọng quyền cá nhân