Khi học sinh đến trường tức là đã tự nguyện tham gia vào một tổ chức. Đã ở trong tổ chức thì học sinh buộc phải tuân thủ những quy định của tổ chức đó đặt ra. Việc nhà trường yêu cầu không nhuộm tóc là quyền của nhà trường. Học sinh phải tuân thủ.

Đấy là về lý, còn thực tiễn cuộc sống sinh động, phức tạp hơn nhiều.

Có trường du di và linh hoạt trong quy định cấm học sinh trang điểm, nhuộm tóc bằng cách đưa ra “mức độ”.  Nghĩa là vừa phải thì được, đậm quá, màu mè quá bị coi là vi phạm. Tất nhiên ở đây cũng khó vì “mức độ” rất mơ hồ, tùy quan điểm từng người. Học sinh cho là “vừa” nhưng giáo viên khẳng định “khó coi”, không phù hợp thì sao? Chính những quy định mang tính định tính như thế khiến cho việc xử lý học sinh trang điểm, ăn mặc, nhuộm tóc… ở nơi này nơi kia quá đà, phản cảm.

Việc cho học sinh tự do trang điểm, làm tóc giúp các em được tự do biểu đạt bản thân, tự do thể hiện cá tính thông qua vẻ bề ngoài. Từ đó các em có thể tự tin hơn trong giao tiếp, hiểu biết hơn trong chọn lựa, mua sắm mỹ phẩm cũng như phát triển kỹ năng trang điểm.

Những người ủng hộ cho học sinh tự do trang điểm, nhuộm tóc... khẳng định đây cũng là tiền đề giúp học sinh xây dựng thói quen tư duy tự do, khoáng đạt và sáng tạo. Các em dễ chấp nhận những cái khác mình và không chấp nhận hiện tượng “đồng phục” trong cuộc sống.

Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại: Không cho học sinh trang điểm, nhuộm tóc…thể hiện sự bình đẳng, công bằng,  giúp học sinh nhà nghèo bớt tự ti, mặc cảm; học sinh “nhà có điều kiện” bớt để tâm đến hình thức mà chuyên tâm học hành hơn. Điều đó phù hợp với môi trường giáo dục, với đối tượng là học sinh đang phụ thuộc vào gia đình. Việc học sinh trang điểm, nhuộm tóc hoàn toàn không cần thiết.

Còn bạn, quan điểm của bạn về việc này thế nào? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận./.