Tối 07/8, nhiều tài khoản mạng xã hội lan nhanh câu chuyện về một nhân vật được gọi là "bác sĩ Khoa", người thấy mẹ mình khó qua khỏi nên đã quyết định rút ống thở để chuyển sang cho một sản phụ đang được cấp cứu gần đó. Trong số người chia sẻ lại bài viết có cả nhà báo và nhiều KOL’s có tiếng. Thế nhưng, cũng chỉ không lâu sau đó, nhiều facebooker, trong đó có cả những người làm trong ngành y, đã chỉ ra các điểm hư cấu, thậm chí vô lý của câu chuyện này. Khi những thông tin phản biện được lan truyền, nhiều bài chia sẻ câu chuyện gốc đã được xóa và không ít người phải lên tiếng xin lỗi dư luận.
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng rơi vào bẫy tin giả. Đã không ít lần chúng ta đau xót, thương cảm, lên tiếng ủng hộ hay phản đối gay gắt trước những thông tin gây bão trên mạng xã hội để rồi sau đó lại ngỡ ngàng vì đó là tin “giả”, tin không chính xác, không đầy đủ.
Nếu như trước đây, có những câu chuyện, những thông tin được bịa đặt, hư cấu hoàn toàn thì giờ đây, “tin giả” ngày càng được “chế biến” tinh vi, cầu kỳ, khó nhận biết hơn khi được xây dựng trên một vài chi tiết, hình ảnh có thật. Thậm chí, có cả nhân vật có tiếng, đáng tin cậy lên tiếng xác nhận thông tin đó là đúng, là chính xác. Ngay như trong câu chuyện “bác sỹ Khoa”, làm sao netizens không tin khi một người làm việc trong các dự án cộng đồng nổi tiếng tại Việt Nam cũng cho biết là mình đã "gọi điện cho bác sĩ Khoa".
Thế nhưng có câu “Một nửa sự thật cũng không phải là sự thật”, người đưa tin không đúng, dù vì bất cứ lý do nào cũng là đáng trách và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi đã có Luật An ninh mạng, Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật. Bộ luật Hình sự cũng đã có những chế tài xử lý các hành vi liên quan tới tin giả. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương đề nghị các đơn vị triển khai hiệu quả Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng.
Người đưa tin sẽ phải chịu trách nhiệm, còn những người chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, thiếu tính chính xác đó, có trách nhiệm không?
Bạn có thể bào chữa rằng mình không biết đó là tin sai sự thật, bạn cũng có thể biện minh mục đích của mình chỉ là để lan tỏa những điều tốt đẹp, nhưng trước khi like hay chia sẻ, dù đồng cảm thương yêu hay phẫn uất bất bình, chúng ta cần nên dừng lại đôi chút để ngẫm nghĩ, suy xét xem thông tin đó có chính xác, có đủ độ tin cậy hay không? Gõ bàn phím chậm lại một phút, bạn đã có thể đánh giá được nguồn tin có khách quan không? Thông tin bạn sắp chia sẻ đã được thẩm định chưa, nguồn cung cấp thông tin có thẩm quyền hay không và thông tin đó có được bằng cách nào? Vâng, chỉ cần tỉnh táo dừng lại, chúng ta cũng có thể chậm chia sẻ một phút nhưng cái được lớn hơn là sự chính xác, tin cậy và thể hiện được trách nhiệm bản thân với thông tin mình chia sẻ cho người khác và cộng đồng.
Trong dòng trạng thái xin lỗi sau khi đưa câu chuyện bác sỹ Khoa mà chưa kiểm chứng đầy đủ, một nhà báo có hàng nghìn người theo dõi trên mạng xã hội đã viết “Tôi xin lỗi vì đã để cảm xúc đi trước”. Bình luận về việc này, một nhà báo khác cho rằng “Giả sử có chút gì thật phần nào, thì một nửa sự thật không phải là sự thật”. “Trái tim lầm chỗ để lên đầu” cùng với sự vội vàng đưa thông tin nhanh, sớm đã đưa đến nhiều chuyện đáng tiếc. Đáng buồn là, với những người làm báo, làm truyền thông, điều căn bản của đạo đức báo chí là không được tạo, cổ súy hay chia sẻ tin giả. Với chức năng định hướng dư luận, người làm báo, làm truyền thông chính thống càng cần phải giữ cho mình cái đầu lạnh trước rừng thông tin hiện nay. Đừng để sức ép đưa tin nhanh, đừng để cảm xúc nhất thời chi phối và đừng vì hoàn cảnh, bối cảnh nào đó mà vội chia sẻ những câu chuyện chưa được kiểm chứng đầy đủ, không cân nhắc xử lý thông tin dựa trên tư duy logic và nền tảng đạo đức xã hội.
Người làm báo phải tuyệt đối tôn trọng sự trung thực, khách quan. Còn những người sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ luật định, cần tiêm cho mình liều vaccine bình tĩnh, suy xét thấu đáo để nâng cao khả năng nhận biết, tăng sức đề kháng với tin giả, tin sai sự thật./.