Cuộc tổng biểu tình do 7 công đoàn lao động tổ chức hôm thứ ba tại Paris, theo thống kế của cảnh sát đã có khoảng 75.000-80.000 người, còn theo các nhà tổ chức con số có thể lên tới một triệu người.

Bạo lực đã nổ ra khi người biểu tình ném gạch đá, chai lọ về phía cảnh sát và buộc cảnh sát Pháp phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Nhiều người đã bị thương và nhiều công trình, nặng nề nhất là Bệnh viện nhi Necker đã bị hỏng hóc do người biểu tình phá hoại.

1_illb.jpg
Lo ngại bạo loạn EURO gia tăng, chính quyền Pháp "cấm" biểu tình. (Ảnh: Getty)

Các bến tàu điện ngầm tại những điểm mà đoàn biểu tình đi qua cũng bị phong tỏa và nhiều hành khách cũng vô tình trở thành nạn nhân của gạch đá và hơi cay.

Sau vụ việc nghiêm trọng này, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố không cho phép biểu tình nếu đoàn biểu tình không đảm bảo giữ gìn tài sản và an toàn cho mọi người. Và theo ông Hollande, hiện điều này không được đảm bảo, nên chính quyền Pháp sẽ xem xét và cấm một số trường hợp xin biểu tình.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định: "Tôi đã yêu cầu Tổng công đoàn lao động CGT không tổ chức những kiểu biểu tình như thế này tại Paris".

Cảnh sát trưởng Paris - Michel Cadot chỉ rõ có khoảng 1.000 kẻ gây rối trong các đám biểu tình và theo ông, đến khi kết thúc biểu tình, có một nhóm từ 100-200 người biểu tình của công đoàn CGT cũng tham gia vào các hành động bạo lực".

Trước làn sóng bạo lực trong biểu tình, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, Chủ tịch đảng Những người Cộng hòa cánh hữu đã tuyên bố phía CGT phải đảm bảo trách nhiệm dân sự.

Phản ứng lại, phía công đoàn CGT tuyên bố những cáo buộc của chính phủ là không thể chấp nhận được. CGT cho rằng các cơ quan chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Manuel Valls, phải có trách nhiệm hàng đầu đảm bảo an toàn và trật tự.

Tối 15/6, Tổng thư ký Công đoàn CGT Philippe Martinez tuyên bố vẫn giữ lịch tổ chức biểu tình vào các ngày mà họ gọi là "ngày hành động" 23 và 28/6. Ông khẳng định yêu cầu của những người biểu tình là dỡ bỏ việc thảo luận tại Thượng viện về dự luật lao động và yêu cầu chính phủ phải lắng nghe.

Tổng thư ký tổ chức Sức mạnh Công nhân Jean-Claude Mailly cũng tuyên bố không thể hiểu nổi nếu một chính quyền cánh tả có thể cấm các cuộc biểu tình do các nghiệp đoàn tổ chức. Liên đoàn các công đoàn phản đối luật lao động đã yêu cầu chính phủ đảm bảo những điều kiện tốt nhất để họ thực hiện quyền được biểu tình.

Tình hình này cho thấy các cuộc tranh cãi có nguy cơ tiếp tục gia tăng và trong bối cảnh phải đảm bảo nhiệm vụ "kép" là đảm bảo an ninh cho Euro 2016, đối phó với nguy cơ khủng bố sau vụ chiến binh IS sát hại hai vợ chồng cảnh sát tại ngoại ô Paris, lực lượng cảnh sát Pháp đang phải căng hết sức mình./.