Khủng bố trà trộn vào lực lượng an ninh?

Chưa bao giờ trong lịch sử các kì EURO, bóng đen khủng bố lại ám ảnh nặng nề như hiện nay. Còn nhớ “thảm kịch Paris” vào tháng 11/2015 cũng diễn ra trong bối cảnh trận giao hữu giữa Pháp và Đức. Khi ấy, trên khán đài thậm chí còn có sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel và an ninh đã được thắt chặt tối đa.

paris_stade1_3501143b_euku.jpg
Người hâm mộ bóng đá hoảng loạn khi chứng kiến bom nổ xung quanh sân Stade de France hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: Reuters)

Nhưng bằng cách nào đó, tổ chức khủng bố IS vẫn có thể kích nổ 2 quả bom xung quanh sân Stade de France chỉ trong vòng 15 phút. Sau đó là một loạt vụ xả súng ở các khu vực lân cận. Tổng số nạn nhân thiệt mạng lên tới 130 người. Điều này cho thấy nếu IS lên kế hoạch tấn công kĩ lưỡng, các lực lượng an ninh của Pháp chắc chắn sẽ nằm ở thế bị động.

Đáng lo hơn, khi Tổng cục an ninh Pháp vừa phát hiện 82 người trong số 3.500 nhân viên được thuê bảo vệ các fanzone (khu vực giành cho CĐV) nằm trong “danh sách đen”. Những người này bị tình nghi liên quan đến các tổ chức khủng bố và cực đoan. Con số 82 người chưa phải con số cuối cùng, Tổng cục an ninh Pháp cho biết vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra và có thể sẽ phát hiện thêm những tình tiết mới.

Nhìn lại vụ khủng bố tại Paris tháng 11 năm ngoái, diễn ra giữa trận đấu Pháp - Đức

Hệ lụy từ làn sóng di cư

Phát biểu trong phiên giải trình trước quốc hội, người đứng đầu cơ quan tình báo Pháp - Patrick Calvar thừa nhận: “Chúng tôi biết được rằng IS đang lên kế hoạch cho những vụ tấn công khủng bố mới và nước Pháp đang bị đe dọa”.

“Theo những thông tin chúng tôi nắm được, những kẻ khủng bố có thể sử dụng phương pháp đặt bom ở những nơi tụ tập đông người và sau đó kích nổ. Chúng có thể sử dụng một loạt vụ nổ dây chuyền để làm kinh hãi người dân” – ông Patrick Calvar thừa nhận.

Cảnh sát dùng bạo lực giải tán khu lều trại của người tị nạn ở miền Bắc nước Pháp. (Ảnh: Reuters)

Cũng theo Cơ quan tình báo Pháp, có khoảng 645 người tạm trú tại Pháp có liên quan đến IS hay các tổ chức cực đoan. Con số này có thể gia tăng, bởi lực lượng an ninh Pháp không thể kiểm soát từng cá nhân trong “làn sóng di cư” đến từ Trung Đông và Bắc Phi.

Vào tháng 2 năm nay, chính phủ Pháp cũng quyết định giải tán khu tập trung của những người tị nạn có tên “Rừng Calais” (nằm ở phía Bắc nước Pháp). 3.000 người dân tị nạn trong khu vực này đã bỏ chạy tứ tán và khó có thể đảm bảo rằng họ không trở thành những cánh tay nối dài cho khủng bố.

Do đó, mùa EURO năm nay người hâm mộ sẽ không chỉ nín thở chờ đợi những diễn biến trên sân cỏ. Hơn lúc nào hết, nguy cơ khủng bố đang khiến cho “Ngày hội lớn” của toàn châu Âu trở nên bất an./.