LTS: Chiều 28/7/1995, Lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN đã được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia Brunei. Đây là thời khắc mang tính lịch sử đối với Việt Nam, một dấu mốc rất đáng ghi nhớ đánh dấu một trong những bước đi đầu tiên của Việt Nam trong việc mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới.
Đây cũng là tiền đề hết sức quan trọng để có được những kết quả tích cực và hết sức đáng tự hào ngày hôm nay khi Việt Nam trong năm 2020 được ASEAN và cộng đồng quốc tế tin tưởng giao phó đảm nhiệm vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nhân dịp này VOV.VN trân trọng giới thiệu loạt bài viết: 25 năm Việt Nam ra nhập ASEAN: Từ “kẻ ngoài cuộc” đến “người chủ động dẫn dắt” – với mong muốn điểm lại toàn bộ quá trình từ trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN đến khi trở thành thành viên tích cực, đóng vai trò dẫn dắt hướng ASEAN đến việc hoàn thành những mục tiêu quan trọng trong tương lai:
Bài 1: 25 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam bước qua những rào cản
Sự nghi kỵ về chính trị
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với các thành viên đầu tiên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan nhằm thể hiện tình đoàn kết giữa các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, mãi gần 30 năm sau, Việt Nam mới được chấp thuận trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Đây được coi là một “dấu ấn ngoại giao quan trọng” của Việt Nam tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập tích cực và sâu rộng hơn vào các cơ chế đa phương và các diễn đàn quốc tế sau này.
Đánh giá về quyết định gia nhập ASEAN của Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng: “Lúc bấy giờ, nắm bắt được sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa gắn với khu vực hóa, ta đã có một quyết sách đúng đắn và kịp thời là gia nhập ASEAN. Gia nhập ASEAN, chúng ta đáp ứng lời tuyên bố của các nhà sáng lập ra Hiệp hội tăng cường hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển”.
Dù vậy, chặng đường ra nhập ASEAN của Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều sóng gió. Trở ngại lớn nhất của Việt Nam khi quyết định gia nhập ASEAN chính là sự nghi kỵ từ chính các thành viên nội khối khi vào thời điểm đó, Việt Nam đang chịu sự bao vây cấm vận của Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1975-1994, trong khi đa số các thành viên ASEAN – nhất là các thành viên đầu tiên – lại là những đồng minh lâu đời và thân cận của Hoa Kỳ như Philippines, Singapore và Thái Lan.
Phải mất nhiều năm trời, nhờ thiện chí thúc đẩy đối thoại tiến đến bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ của cả phía Việt Nam và nhiều chính trị gia và nghị sĩ có tiếng nói quan trọng trong chính trường Hoa Kỳ như John Kerry, John McCain, Bob Kerrey, Chuck Robb, Pete Peterson… mãi đến ngày 12/7/1995, hai nước mới chính thức tuyên bố bình thường hoá quan hệ.
Có thể nói, cùng với những nỗ lực xoá bỏ sự nghi kỵ từ các thành viên ASEAN, việc đạt được bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam “mở toang cánh cửa” gia nhập “đại gia đình” ASEAN bởi chỉ có đạt được điều này, Việt Nam mới có thể thuyết phục hoàn toàn được các quốc gia có quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ chấp thuận cho Việt Nam gia nhập ASEAN dù giữa hai bên vẫn còn rất nhiều khác biệt cần vượt qua.
Những khác biệt về điều kiện kinh tế-xã hội
Một rào cản khác khiến các quốc gia trong khu vực ngần ngại với việc chấp thuận để Việt Nam trở thành thành viên ASEAN chính là bởi những khác biệt lớn về điều kiện kinh tế- xã hội của Việt Nam vào thời điểm những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20.
Điều này xuất phát từ “sự khác nhau về cơ cấu kinh tế, nhất là khoảng cách không nhỏ về trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước ASEAN làm cho một số hình thức, mức độ hợp tác trong ASEAN chưa phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam lúc đó, ví dụ như trong quá trình tham gia và thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định khung về chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO)...”
Hơn thế nữa, vào thời điểm trước năm 1995, năng lực và trình độ của cán bộ Ngoại giao Việt Nam, nhất là kỹ năng hoạt động đa phương và tiếng Anh còn hạn chế. Điều này cũng trở thành một trở ngại đáng kể trong quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập ASEAN cũng như sau khi chúng ta chính thức trở thành thành viên nội khối và bắt đầu tham gia sâu rộng vào các hoạt động hợp tác trong ASEAN vốn được đánh giá là “rất đa dạng và phức tạp”.
Hồi tưởng về thời khắc trọng đại ngày 28/7/1995 tại Brunei khi Việt Nam chính thức là thành viên thứ 7 của ASEAN, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan nhớ lại: “Trong giờ phút đầy xúc động ấy, tôi chợt nghĩ: như vậy là đã hết rồi cái thời nghi kỵ, thù nghịch giữa các nước trong khu vực với nước ta; đã chấm dứt cái cảnh tan đàn xẻ nghé, nhiều khi do tác động từ bên ngoài; từ nay bảy nước thành viên cùng trên một con thuyền, biển lặng hay biển động đều cùng nhau chèo chống”.
Cũng theo ông Vũ Khoan, đã có thời, một số nước Ðông Nam Á đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh Việt Nam và sau đó là cuộc bao vây cô lập Việt Nam chỉ vì Việt Nam không tiếc xương máu cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Quyết định kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội, dường như các nước thành viên đều ngộ ra rằng, chỉ có thống nhất khu vực, tay trong tay hợp tác mới có sức mạnh, chia năm xẻ bảy tất bị suy yếu.
Trong khi đó, nhìn lại chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN, đánh giá: “25 năm qua chứng kiến sự thay đổi, chuyển biến hết sức mạnh mẽ của cả ASEAN và Việt Nam. ASEAN từ một tổ chức được thành lập ra trong đối đầu, trong nghi kỵ ở khu vực đã trở thành một tổ chức khu vực rất thành công với tiềm năng kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới, rất năng động, sáng tạo và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng thế giới.
Việt Nam cũng đã chuyển biến hết sức mạnh mẽ từ một nền kinh tế bao cấp và lạc hậu trở thành một nền kinh tế thị trường rất phát triển và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Chúng ta từ những bước ban đầu còn chập chững nay đã trở thành một thành viên chủ động, tích cực, cùng với những nước thành viên khác ứng phó với những thách thức cũng như tận dụng những cơ hội, đóng góp vào những vấn đề chiến lược liên quan đến hoà bình, phát triển thịnh vượng của ASEAN. Thúc đẩy mạnh mẽ vị thế của cả ASEAN và Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”./.