Theo chính quyền địa phương, việc áp thuế du lịch là một sáng kiến du lịch bền vững, hướng tới những thay đổi lớn trong việc bảo vệ văn hóa và thiên nhiên. Du khách có thể thanh toán thuận tiện và đơn giản thông qua hình thức trực tuyến trước khi đến Bali. Theo đó, khách du lịch có thể sử dụng trang web Love Bali và ứng dụng điện thoại thông minh. Trang web Love Bali cũng có rất nhiều thông tin về các địa điểm du lịch, các sự kiện sắp diễn ra và những khuyến cáo du lịch từ chính quyền tỉnh.

Không phải tất cả người nước ngoài vào Bali đều phải trả thuế du lịch. Có một số loại thị thực được miễn nộp phí, bao gồm người có thị thực ngoại giao và công vụ, người sở hữu KITAS và KITAP, người có "Thị thực vàng"… Ngoài Bali, các quan chức địa phương cho rằng những địa điểm siêu ưu tiên mới của Indonesia đủ điều kiện và tiêu chuẩn để áp dụng thuế phí vì đều là những địa điểm du lịch phổ biến đang thu hút nhiều du khách quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn 3A bao gồm khả năng tiếp cận, tiện nghi và điểm tham quan.

Nguồn thu từ thuế du lịch cũng sẽ nhằm phục vụ cho các hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch địa phương. Ví dụ chính quyền Bali sẽ dùng số tiền thu được từ khoản thuế sử dụng cho các chương trình quản lý chất thải, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa tại Bali, hướng đến mục tiêu là địa điểm du lịch đẳng cấp thế giới về môi trường và văn hóa.

Đề xuất áp thuế du lịch với Bali đã vấp phải sự phản ứng từ các ngành dịch vụ, cho rằng thuế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng khách nước ngoài và các lĩnh vực liên quan, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch nước này vẫn đang phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng với một địa điểm đẹp như Bali, mức phí khoảng 10 USD là hợp lý. Vì như vậy chính quyền địa phương mới có đủ nguồn thu để thực hiện những thay đổi mạnh mẽ hơn.