Mỗi dịp cuối tuần, vườn dâu tây Maburu Farm thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ và du lịch Na Lun Mộc Châu (Sơn La) lại đón rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm làm nông nghiệp theo quy trình VietGAP và tận tay lựa chọn, thưởng thức những trái dâu chín đỏ ngay tại vườn hoặc mang về làm quà.
Theo anh Ngô Minh Hiếu - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ và du lịch Na Lun Mộc Châu, mùa dâu tây đầu tiên năm 2019, hợp tác xã thí nghiệm trồng 6.000 mét vuông kết hợp du lịch, mô hình này đã cho kết quả khả quan, thu hút hàng ngàn lượt du khách.
Nhận thấy tiềm năng và sức hút của nông nghiệp kết hợp trải nghiệm, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 2 ha và thực hiện trồng dâu tây sạch kết hợp du lịch bài bản hơn, trong đó hướng tới sản phẩm sạch và không khí trong lành. Hợp tác xã trồng dâu tây trực tiếp dưới đất, phủ bạt gốc và tưới ẩm, không dùng nhà màng, nhà kính, không trồng theo mô hình giàn treo, nhằm hòa hợp tối đa với tự nhiên, mang đến cho du khách trải nghiệm mộc mạc, gần gũi nhất có thể.
Khai thác tiềm năng từ rừng nguyên sinh, điểm du lịch sinh thái Rừng Vàng ở bản Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La đã phục dựng, quảng bá nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái ở Sơn La. Những nếp nhà sàn, những cung đường mòn trong rừng, chòi nghỉ, điểm check-in được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, đá, tre nứa, những nương cây ăn quả và thành lập đội văn nghệ phát huy những điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc… Du khách đến với điểm du lịch sinh thái Rừng Vàng đã được hòa mình vào cuộc sống, hoạt động thường ngày, khám phá những món ăn độc đáo của người dân địa phương.
Bà Trần Thị Gấm - Giám đốc Điểm du lịch sinh thái Rừng Vàng nói: "Chúng tôi đang phát huy môi trường rừng, rất mát mẻ và trong lành để xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt với các nơi khác. Thứ nhất là chúng tôi phối hợp với đội văn nghệ của bản Noong Đúc để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Thứ hai là chúng tôi đang trồng cây ban và các loại cây bản địa để khách đến tham quan, chụp ảnh và check-in. Khi chúng tôi phát triển du lịch nông nghiệp này thì thấy rất yên tâm, bởi lượng khách đến với điểm du lịch ngày càng tăng".
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch gắn nông nghiệp, nông thôn với các loại hình du lịch trang trại nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, nghỉ cộng đồng hoặc hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp… Trong đó, điểm nhấn nổi bật là các lễ hội du lịch kết hợp quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương, như Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên tại huyện Mộc Châu; Ngày hội nhãn tại Sông Mã, xoài tại Yên Châu… Qua đó, du khách có dịp trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài… và thưởng thức trái cây ngay tại vườn. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ được 2 sản phẩm du lịch đạt OCOP 4 sao, là điểm du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La và điểm du lịch Pha Đin Top, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Đây cũng là minh chứng cho thấy phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi đầy triển vọng, giúp Sơn La nối dài chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Qua đó nông thôn miền núi Sơn La cũng có cơ hội khoác lên mình diện mạo tươi mới hơn.
Ông Bùi Khắc Bạo - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: "Phát triển du lịch sinh thái đã gắn kết với nông nghiệp, như du lịch cộng đồng đưa du khách tham quan, thưởng thức ẩm thực địa phương thì chính là sử dụng những sản phẩm nông nghiệp ở đó. Hoặc những khu du lịch như ở Mộc Châu hay Happy Land trồng hoa để làm du lịch thì cũng phải dựa vào nông nghiệp, dựa vào hoa để phát triển du lịch".
Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết ngành nông nghiệp Sơn La đang tiếp tục phát triển các đặc sản gắn du lịch, trải nghiệm với nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại địa phương. Sở đã tập trung bố trí các không gian sản xuất về nông nghiệp mang tính chất liền vùng, liền khoảnh và tuyên truyền, vận động bà con. Trên cơ sở đó sẽ có những doanh nghiệp đủ mạnh vào để hỗ trợ, làm đầu tàu cũng như định hướng cho người dân. Người dân sẽ là các chủ thể và các vệ tinh cho các doanh nghiệp hay HTX lớn này; qua đó dần nhận thức và thay đổi tư duy trong sản xuất để gắn với du lịch.
Nông nghiệp gắn với trải nghiệm ở Sơn La bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, vẫn có những nơi mang tính tự phát, vì vậy cần có mô hình quản lý phù hợp, tạo sự kết nối giữa các địa phương, công ty lữ hành để xây dựng du lịch nông nghiệp thành những điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn cho người nông dân./.