Làm mới mình và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch bổ sung đang là hướng đi của du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Bên cạnh đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thực hiện nhiều hoạt động giới thiệu những sản phẩm mới cùng với những hoạt động quảng bá trong và ngoài nước, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Nghệ An xây dựng tuyến du lịch tâm linh với khu di tích lịch sử Truông Bồn . |
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: "Chúng tôi đảm bảo du lịch đã có thương hiệu, đẳng cấp như hang Sơn Đoòng, các tuyến động Phong Nha, động Thiên Đường vẫn được tiếp tục duy trì. Chúng tôi thay đổi và xây dựng thêm các sản phẩm du lịch tuyến mới theo hình thức vừa khám phá, vừa trải nghiệm, vừa chinh phục các tuyến điểm du lịch hấp dẫn, cùng với đó là các dịch vụ như các trò chơi dưới nước và các dịch vụ bổ trợ khác để giúp cho hoạt động du lịch ở Quảng Bình đa dạng hơn".
Ngoài thế mạnh về du lịch biển thì Thừa Thiên - Huế còn có sức hấp dẫn du khách với nhiều loại hình du lịch trải nghiệm với các loại hình di sản văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, nhà vườn, homestay, du lịch cộng đồng, du lịch bằng xích lô, xe đạp, xe vespa... Với mong muốn tìm hướng đi mới, hiện đại hơn với các sản phẩm du lịch bổ trợ, mở rộng thị trường, Thừa Thiên - Huế đang dần có thêm các khu vui chơi, chương trình giải trí vào ban đêm để níu chân du khách. Đáng lưu ý, tận dụng sự ưu ái của thiên nhiên với nguồn suối khoáng nóng, nhiều khu nghỉ dưỡng không chỉ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa làng nghề và các loại hình trải nghiệm mạo hiểm.
Bà Trương Thị Yên Trang, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Alba Thanh Tân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói: "Trong năm qua ngành du lịch bị sụt giảm sau sự cố Formosa, khách không đến biển thì lại đến khu nghỉ dưỡng của mình. Ở đây không chỉ là khu nghỉ dưỡng mà còn thích hợp với mọi đối tượng. Như ở đây chúng tôi có trò chơi mạo hiểm, thích hợp với các bạn thanh niên, thiếu niên. Ngoài ra chúng tôi còn có trải nghiệm làng nghề, thích hợp với trẻ em làm mặt nạ, hoa".
Nếu Thừa Thiên - Huế xây dựng thêm các tour du lịch mới, kết nối làng nghề, các chương trình biểu diễn quảng bá văn hóa, Quảng Bình tiếp tục đầu tư cho du lịch khám phá hang động thì Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị chuyển hướng tập trung cho du lịch văn hóa, tâm linh. Nghệ An, Hà Tĩnh xây dựng các tuyến du lịch tâm linh, hướng về nguồn cội với khu di tích lịch sử Truông Bồn và Ngã ba Đồng Lộc. Bên cạnh việc tổ chức cho du khách đến thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, khu thành cổ, tham quan trung tâm hành hương đức mẹ La Vang ... tỉnh Quảng Trị đang khảo sát thêm tuyến du lịch Đông Tây dọc đường Hồ Chí Minh.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Đình Ước, Trưởng ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh cho biết: "Hàng năm ban quản lý di tích đã cử cán bộ đi về các địa phương để sưu tầm hiện vật của thanh niên xung phong. Những hiện vật đó tuy rất đơn sơ nhưng hễ ở đâu có thông tin là chúng tôi lại cử người xuống để sưu tập và bổ sung vào phòng trưng bày truyền thống để hiện vật ngày càng phong phú hơn, giới thiệu đến nhân dân hiểu rõ thêm cuộc chiến tranh, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong".
Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: bên cạnh việc tạo thêm những sản phẩm du lịch mới, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tốt hơn nữa, đồng thời hướng dẫn kĩ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Dũng nói: "Những sản phẩm du lịch tại suối khoáng Sơn Kim, khu nghỉ dưỡng mới tại Hà Tĩnh hay du lịch sinh thái tại Huế theo đánh giá của tôi là khá tốt. Tuy nhiên các địa phương cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến những sản phẩm này, đặc biệt là vấn đề đào tạo nhân lực và công tác xúc tiến quảng bá đến du khách và các doanh nghiệp lữ hành".
Hiện nay các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã kí kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch, cùng nhau chia sẻ tháo gỡ khó khăn, đồng thời khai thác thế mạnh của loại hình du lịch khác trên địa bàn các tỉnh. Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực liên kết với Đà Nẵng, Quảng Nam, hình thành chuỗi đô thị du lịch. Như vậy, không chỉ tận dụng thế mạnh của riêng mình, các tỉnh Bắc Trung Bộ đang có sự hợp tác chặt chẽ hơn để khai thác hiệu quả và bền vững tiềm năng du lịch./.