Đại nhạc kịch bên sông Sài Gòn

Tại buổi họp báo giới thiệu Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 diễn ra chiều 8/5, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” (dự kiến diễn ra vào tối 31/5) tiếp tục là điểm nhấn của lễ hội năm nay.

Với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”, chương trình do đạo diễn Lê Hải Yến làm Tổng đạo diễn sẽ tái hiện câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, thông qua vở đại nhạc kịch ngoài trời bên sông Sài Gòn.

Đạo diễn Lê Hải Yến cho hay, show diễn “Dòng sông kể chuyện” mùa 1 là sự hoài niệm về một bức tranh văn hóa toàn cảnh lịch sử khai phá, hình thành và phát triển của TP.HCM gắn với sông Sài Gòn. Từ thời Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn - TP.HCM, một trong những trung tâm kinh tế và văn hoá lớn nhất nước được khái quát qua các chương: “Khởi thủy”, “Khẩn hoang”, “Xây thành”, “Trên bến, dưới thuyền”, “Thương cảng phồn vinh” và “Rực rỡ thành phố bên sông”.

“Dòng sông kể chuyện” mùa 2 sẽ là câu chuyện kể về lịch sử cận hiện đại, thông qua những chuyến tàu huyền thoại đã từng đến và đi trên dòng sông Sài Gòn, gắn với những dấu mốc đặc biệt của non sông, dân tộc.

Từ những ghe bầu thời triều Nguyễn (thế kỷ 18) vượt biển Đông để cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc; đến cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam - công xưởng Ba Son; câu chuyện cuộc bãi công của hơn 1.000 công nhân Ba Son gắn với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ trên con tàu Amiral Latouche Tréville đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam; hay chuyến tàu đầu tiên sau giải phóng nối liền đường biển hai miền Nam - Bắc… sẽ được tái hiện một cách rất đặc biệt bằng nghệ thuật và công nghệ giải trí hiện đại.

Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết thêm, vở diễn sẽ có những điểm nhấn cao trào, hào hùng, bởi những đại cảnh và những chi tiết nhấn vào chiều sâu cảm xúc, xoáy sâu vào nội tâm nhân vật: “Đó là đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên diễn ra ngay trên sông Sài Gòn. Chúng tôi sẽ kết hợp những yếu tố kỹ xảo của điện ảnh, âm nhạc, vũ kịch cùng những công nghệ giải trí hiện đại từ 3D mapping, drone show (thiết bị bay không người lái),… để tái hiện một câu chuyện lịch sử đồ sộ của dân tộc. Với quy mô gần 1.000 diễn viên, không gian biểu diễn sẽ giống như một phim trường rộng lớn nhưng không cố định. Tất cả các bối cảnh của toàn bộ show diễn sẽ có những sân khấu trôi, sân khấu di chuyển thay đổi theo từng chương, từng màn để liên tục tạo bất ngờ cho người xem”.

Đặt khán giả làm trung tâm

Góp ý cho chương trình sân khấu thực cảnh “Dòng sông kể chuyện” mùa 2, TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM lưu ý, những người thực hiện chương trình, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm về kịch bản cần có được những sử liệu chính thống, đáng tin cậy nhất. Bởi khi khai thác yếu tố lịch sử, công chúng sẽ đánh giá và nhìn nhận khắt khe hơn.

Đồng thời, kịch bản chương trình rất cần có những chi tiết thật đắt giá, ấn tượng để tạo điểm chạm cảm xúc người xem và hễ xem xong là nhớ những câu chuyện lịch sử ấy.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói: “Tôi cũng hi vọng chương trình năm nay sẽ đáp ứng được kỳ vọng của người dân thành phố và du khách. Chúng ta phải làm sao cố gắng duy trì nó, kể cả chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện" và trở thành thương hiệu".

Là doanh nghiệp gắn bó với dòng sông Sài Gòn, với chuỗi nhà hàng nổi trên sông, ông Nguyễn Hải Linh, Chủ tịch Elisa Group cho rằng, Ban tổ chức cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, để tất cả người dân, du khách đều biết đến Lễ hội sông nước TP.HCM, nhất là show diễn thực cảnh “Dòng sông kể chuyện”.

Ông Nguyễn Hải Linh bày tỏ mong muốn có một chương trình sân khấu thực cảnh tầm cỡ: “Chúng ta kể những câu chuyện lịch sử mà đủ sức đánh thức trong người xem một sự trăn trở và hướng đến những điều tốt đẹp thì càng khó. Tôi nghĩ chương trình này đang làm được điều như vậy".

So với lần đầu tổ chức, Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2, không những được mở rộng về quy mô, thời gian tổ chức mà còn gia tăng các hoạt động kết nối du lịch giữa TP.HCM với các địa phương Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Với chuỗi hoạt động đa dạng về du lịch, văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, mua sắm; sự kiện lần này được định hướng trở thành một thương hiệu, góp phần định vị TP.HCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hoá.

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 năm nay sẽ tăng thời gian, mở rộng quy mô và đa dạng hoạt động với nhiều địa điểm tổ chức như khu vực Nhà Rồng - Khánh Hội, Công viên Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến du thuyền Lan Anh (TP.Thủ Đức), Bến Ngôi Sao Việt (Quận 7), Bến Bình Đông (Quận 8), Khu du lịch Văn hoá Suối Tiên, các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP.HCM.

Lần đầu tiên TP.HCM đưa vào Lễ hội hoạt động bắn pháo hoa nghệ thuật; tái hiện chợ nổi miền Tây; tổ chức giải bơi vượt sông mở rộng, giải vô địch ván chèo đứng; trình diễn mô tô nước, thuyền buồm, thuyền sailing, dù lượn…  và các hoạt động tương tác khác phục vụ người dân và du khách.