Phủ Tây Hồ tọa lạc trên doi đất hình Kim Quy, với long chầu – hổ phục hai bên trái – phải. Đất này thuộc ấp Tây Hồ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, nay thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ. |
Nếu Hồ Tây là đất thiêng của Thăng Long thì ấp Tây Hồ là địa linh bậc nhất của Hồ Tây. |
Tam quan phủ Tây Hồ không lớn nhưng được xây dựng khá công phu, mang đậm phong cách dân gian của người Việt Nam. Các bức long phượng trình tường, tả thanh long hữu bạch hổ, hay tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) đều được đắp nổi rất tinh tế. |
Qua cổng Tam Quan là sân phủ rộng rãi chạy sát hồ nước. Trong sân phía bên trái có lầu Cậu, phía bên phải có lầu Cô, tả dương hữu âm, tả phù hữu bật. Dù là Phật hay Thánh đều có thị giả, thị giả là người hầu cận bên Phật – Thánh, giúp Phật – Thánh hành đạo. |
Lầu Cậu, lầu Cô tuy nhỏ nhưng đây cũng là chốn bồng lai nơi tiên ở. Câu đối đắp nổi ở hai bên thể hiện nhiệm vụ cao cả của Cậu và Cô đối với Thánh Mẫu: Hộ vệ hoàng cung dương hách trạc/ Tùy tòng Mẫu giá hiển uy linh. |
Phía sau hiên tam quan là tiền đường. Tiền đường có kiến trúc theo kiểu phúc ốc trùng thiềm, tám mái cao vút lên như một vọng lâu. Đây là lối kiến trúc lâu quán của Đạo giáo, cư cao lâm hạ quan sát tứ phương. |
Phía ngoài tiền đường, ở trên cao là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Phật giáo gọi là Ngọc Hoàng là Đế Thích – Nho giáo gọi là Thượng Đế còn Đạo Giáo gọi là Huyền Chúa… Dù gọi như thế nào thì Ngọc Hoàng Thượng Đế vẫn là vị thần tối cao của Tam giáo cũng như trong quan niệm dân gian. |
Bên cạnh trái Ngọc Hoàng Thượng Đế là Nam Tào – Nam Đẩu. Thần Nam Tào xưa luôn được tôn kính vì quyền năng lớn, nắm vận mệnh thọ yểu, hưng vong của Thiên Tử, nắm tước lộc của Tể tướng bách quan, quản nhân gian sinh tồn, khoa cử. Còn bên phải Ngọc Hoàng là Bắc Đẩu. Thần Bắc Đẩu là tư mệnh thần, trông coi việc sống chết, thọ yểu, bần phú, họa phúc, tước lộc của nhân gian, giải trừ mọi tai ách của con người. |
Sau tiền đường là trung đường xây ba gian đơn giản, tường hồi bít dốc, chắc khỏe. Chính giữa là ban thờ Tam Vị Thánh Mẫu bằng bài vị. Phía bên tả treo quả chuông lớn, phía bên hữu treo chiếc trống lớn theo đúng quy tắc tả dương hữu âm, tả chung hữu cổ. |
Nơi tôn nghiêm nhất của phủ Tây Hồ là mật cung – cung cấm. Mật cung xây hai gian thờ dọc, kiến trúc theo kiểu phúc ốc trùng thềm, thấp hơn so với trung đường và bái đường, tạo cảm giác ấm cúng thần bí, theo quy luật âm dương của kiến trúc tiền tôn hậu ty, tiền động hậu tĩnh, tiền náo nhiệt hậu tĩnh túc. |
Trong quần thể kiến trúc Phủ Tây Hồ còn có động Sơn Trang ba gian mới xây dựng bằng chất liệu bê tông giả gỗ theo lối phúc ốc trùng thiềm chồng diêm tam mái. Động xây cao, thoáng và vững chắc. Trên tường có nhiều mảnh đắp nổi từ linh, tứ quý khá sinh động. Các đầu đao là hồi long hồi phượng tinh tế, uy nghi. |
Với tư tưởng Tiên – Phật bất phân nên trên vị trí cao nhất của động Sơn Trang thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Phía dưới là ban thờ Mẫu Địa – Mẫu Đệ Nhị - Mẫu Thượng Ngàn. Hai bên tả, hữu thờ nhị vị Vương Bà hóa thân của Mẫu Địa. Ngoài ra còn thờ thập nhị vương cô, tổng cộng là 15 vị. |
Động Sơn Trang không chỉ có ở các phủ, các đền mà còn có ở các Chùa. Động Sơn Trang là hình thức thờ Mẫu Địa rất đặc trưng, bởi Mẫu Địa đã sinh ra vạn vật, dưỡng dục vạn vật. Màu xanh của Mẫu, của Vương Bà, của các Cô là màu xanh của mẹ Đất, của non ngàn, của Đông phương mộc, của mùa xuân sinh sôi và phát triển. |