Hội nghị đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện các đơn vị lữ hành, các nhà đầu tư, cơ quan truyền thông và chính người dân - chủ thể của những giá trị văn hoá đặc sắc vùng cửa biển gắn với văn minh lúa nước vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đa số các ý kiến đều cho rằng để tạo sức bật cho du lịch Hải Phòng, cần chú trọng sự liên kết, chung tay của các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như vận tải, lữ hành, lưu trú và các dịch vụ bổ trợ. Tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong xây dựng sản phẩm mới và kết nối trao đổi khách du lịch với các trọng điểm du lịch lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình và các địa phương có đường bay thẳng tới sân bay Cát Bi.

Đặc biệt, trong bối cảnh thích ứng với đại dịch Covid 19, thay vì ưu tiên giá cả, các điểm đến du lịch của Hải Phòng cần ưu tiên tính an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), những năm vừa qua các sản phẩm đã được định hướng lại, không chỉ do dịch Covid-19 mà do thị hiếu, nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước thay đổi, như du lịch nông nghiệp - nông thôn hoặc du lịch sức khỏe. Cần nâng cấp, làm mới sản phẩm cũ và đưa ra sản phẩm mới, nhất là trong điều kiện hiện nay, khách quan tâm đến các loại hình du lịch an toàn, du lịch sinh thái, du lịch gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Trước đó, Ban Tổ chức đã xây dựng chương trình famtrip 2 ngày, đưa đoàn khảo sát tới các điểm du lịch của Hải Phòng như chùa Long Hoa, bến tàu không số K15, khu du lịch sinh thái đảo Bầu, chùa Tháp Tường Long... và thưởng thức đặc sản địa phương./.