Sáng 7/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Hội thảo là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực, diễn ra vào dịp toàn ngành Du lịch đang tích cực thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới với những bối cảnh, xu hướng mới và đặc biệt toàn ngành đang sôi nổi tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2015).

Thời gian qua Du lịch Việt Nam đã định hình là một ngành kinh tế quan trọng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2014, cả nước có 16.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 332.000 buồng. Công tác phát triển sản phẩm được chú trọng nhiều tại địa phương. Ngành đã chú trọng đẩy mạnh và ngày một chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến du lịch.

Đến nay, cả nước có 1456 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 13.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa, hơn 15.500 hướng dẫn viên du lịch và hàng chục nghìn thuyết minh viên tại điểm. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã trưởng thành và phát triển lớn mạnh, hình thành các tên tuổi, thương hiệu mạnh trong và ngoài nước như: Tổng công ty Saigontourist, tập đoàn Sungroup, Mường Thanh… là những hạt nhân quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch trong cả nước.

Tuy nhiên, Du lịch Việt Nam phát triển trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế như: cơ sở hạ tầng du lịch còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; môi trường xã hội còn nhiêu tình trạng ăn xin, đeo bám khách, phương thức kinh doanh chộp giật, giá cả không đồng nhất; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa nhiều…

Trước bối cảnh phát triển hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 92 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Trong đó, có các biện pháp, chương trình hành động đón nhận chính sách thị thực tạo thuận lợi cho phát triển du lịch; Tổ chức hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để huy động tăng nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến và hỗ trợ phát triển du lịch; Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để hạn chế những yếu kém, đảm bảo môi trường, an ninh an toàn cho khách du lịch…

Hội thảo lần này tập trung bàn về biện pháp hành động sau khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về miễn thị thực đơn phương cho Belarus và 5 quốc gia khu vực Tây Âu; thảo luận về lộ trình sửa đổi bổ sung Luật Du lịch với nhiều yếu tố mới như Công tác quản lý Nhà nước về Du lịch, quy định về đảm bảo an ninh an toàn cho du khách… để hoàn thiện, trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua vào tháng 10/2016; định hướng triển khai tổ chức và hoạt động khi Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong năm nay; đặc biệt là bàn việc tổ chức thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, biện pháp cấp bách nhằm hạn chế yếu kém, nâng cao khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam và tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách./.