Dịch viêm đường hô hấp cấp covid-19 gây ra đã tác động lớn đến ngành du lịch toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, lượng du khách Trung Quốc ra nước ngoài giảm mạnh. Ngành du lịch tại Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh này khi lượng khách Trung Quốc ngừng đột ngột, hàng loạt cửa hàng, khách sạn, tour du lịch gần như bị tê liệt.

d_tbip.jpg
Hồ Gươm - Hà Nội.

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp covid-9, những khu vui chơi giải trí lớn, khách sạn, nhà hàng trở nên đìu hiu, vắng vẻ vì không có du khách.

Bà Phan Tú Anh - Quản lý một Khách sạn tại Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, do tọa lạc tại khu phố trung tâm, từ xưa vốn chủ yếu phục vụ khách hàng là người Trung Quốc nên khi xảy ra dịch bệnh, số lượng khách hàng sụt giảm mạnh, công suất buồng phòng giảm đến hơn 90%.

"Bằng thời điểm này năm trước, lượng khách trong dịp mùa cao điểm rất đông khách. Các hộ đều đông khách đến 90 đến 95% nhưng năm nay do dịch bệnh corona nên lượng khách bị giảm đi rất nhiều. Tháng này khách hủy hết phòng, chỉ còn mấy khách đặt, tính ra chỉ còn được 5-10% thôi", bà Anh cho hay.Trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, từ đầu tháng 2 đến nay, không còn khách Trung Quốc đến Việt Nam. Nguyên nhân là bởi kể từ ngày 1/2, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo hủy toàn bộ các giấy phép bay đã cấp và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm khống chế dịch covid- 19.

Các tour và khách lẻ từ Trung Quốc đều bị hủy toàn bộ; theo hiệu ứng dây chuyền, các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ cũng thông báo giảm khách. Nguồn booking khách lẻ phải chịu thiệt hại nặng nhất vì đây là đối tượng chi tiêu cao, tự trải nghiệm theo kế hoạch nhưng đồng thời cũng dễ dàng thay đổi hoặc hủy bỏ chuyến đi.

Chị Mai Quế Chi - Quản lý một Homestay ở quận Tây Hồ, Hà Nội buồn rầu nói: "Lần đầu tiên mình gặp việc sụt giảm khách du lịch nặng do dịch bệnh như thế này. Các chủ homestay kêu than rất nhiều về những tình huống bị khách du lịch hủy. Không chỉ khách Trung Quốc vì gần đây đường bay từ Trung Quốc sang Việt Nam tạm ngừng, không bay sang được nữa mà kể cả những khách transit ở Trung Quốc hoặc là khách từng đặt phòng họ cũng hủy hết và ngành du lịch bắt đầu bị ngấm đòn".

Ước tính, ngành du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì dịch bệnh. Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Thái Sơn cho biết: Khi dịch covid-19 bùng phát, từ sau Tết nguyên đán, doanh nghiệp đã phải hoàn huỷ tour du lịch cho hàng nghìn khách hàng. Với những tour đi Trung Quốc, doanh nghiệp chấp nhận hoàn trả 100% tiền tour cho du khách đã đăng ký. Hiện công ty Thái Sơn chỉ biết kêu gọi sự hỗ trợ phần nào chi phí từ các công ty hàng không và các công ty dịch vụ du lịch từ Trung Quốc.

"Bản thân Công ty Lữ hành Quốc tế Thái Sơn đến thời điểm này bắt đầu chịu hậu quả nặng nề nhất là việc khách Việt Nam đi Trung Quốc. Bắt đầu khởi hành từ mùng 2 Tết thì mùng 1 đã nhận được tất cả thông tin hủy toàn bộ tour. Công ty đã chuyển khoản hết toàn bộ số tiền tour lại cho khách hàng nhưng may mắn là được sự hỗ trợ của hàng hàng không nên thiệt hại chỉ là tiền đi lại của khách và tiền làm visa", bà Tú Anh nói.

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn để giảm thiệt hại trước mắt, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng sẽ định hướng cho khách hàng chuyển sang những tour du lịch đến vùng an toàn, chưa có dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA gợi ý, du khách có thể chuyển sang du lịch Myanmar lễ chùa đầu năm, đi biển Bali (Indonesia), là những quốc gia chưa có dịch covid-19. "Tôi nghĩ có những lựa chọn với khách hàng vẫn yêu thích du lịch, tìm kiếm điểm đến an toàn trong thời dịch bệnh corona này. Chúng tôi sẽ định hướng cho khách. Ví dụ khách đang định đi Trung Quốc hoặc thị trường hiện nay có dịch thì chúng tôi định hướng có thể họ lùi lại thời gian sau khi hết dịch hoặc hướng họ đến những điểm hiện nay đang an toàn ví dụ tour đi Myanmar lễ chùa đầu năm, tour đi Bali chưa có ca nhiễm nào và thời tiết rất là thoáng, nóng trên 30 độ cũng không thích hợp cho loại virus này tồn tại".

Theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch là ngành nhạy cảm trước dịch bệnh, nhưng không phải bị ảnh hưởng đầu tiên. Hiện nay, hầu hết trường hợp dương tính với virus covid-19 không phải bị lây nhiễm từ khách du lịch. Do đó, trước đại dịch chưa có dấu hiệu thuyên giảm, ngành du lịch cần bình tĩnh, theo dõi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để khống chế dịch và nên chủ động kiểm soát dịch bệnh hơn là đóng cửa toàn bộ./.