Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, ngoài được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, một trong những “tài sản” giá trị nhất mà Mộc Châu có được là sự đa dạng văn hóa từ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự hội tụ này đã mang lại cho địa phương nhiều nghề thủ công, sản vật, văn hóa ẩm thực và các lễ hội truyền thống.
Từ lợi thế này, Mộc Châu xác định phát triển các điểm du lịch cộng đồng trở thành các điểm du lịch vệ tinh của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, cùng với khu du lịch nghỉ dưỡng Rừng thông bản Áng, khu du lịch thác Dải Yếm, khu du lịch văn hóa Ngũ động bản Ôn, khu trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập và các điểm du lịch cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2018 – 2019, huyện đã hỗ trợ xây dựng nhiều bản du lịch cộng đồng và tổ chức tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho các hộ kinh doanh tại một số bản, như bản Vặt, bản Dọi....
Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết: Hàng năm, huyện cũng đầu tư từ ngân sách khoảng 2 tỷ đồng, cho các bản được xác định sẽ xây dựng thành bản du lịch cộng đồng. Hiện nay, chúng tôi đã có bản Áng (xã Đông Sang), bản Dọi (xã Tân Lập) và đang đầu tư bản Tà Số - bản của người Mông. Việc xây dựng bản du lịch cộng đồng này, Mộc Châu may mắn nhận tài trợ từ dự án GREAT của Chính phủ Úc. Chúng tôi cũng đã hợp đồng với các chuyên gia trong nước và quốc tế để hỗ trợ Mộc Châu xây dựng du lịch cộng đồng. Sau khi dự án kết thúc, bằng kinh nghiệm đã có, cán bộ huyện Mộc Châu có thể triển khai thêm các bản du lịch cộng đồng khác trên địa bàn huyện.
Cũng theo bà Hoa, những năm gần đây, ngành du lịch Mộc Châu đã có sự phát triển mạnh, với mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn đã có hơn 220 cơ sở lưu trú, trong đó 12 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 4 sao; gần 5.000 lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch. Giai đoạn 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm, Mộc Châu thu hút được khoảng 1,2 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội trung bình mỗi năm đạt trên 1.100 tỷ đồng./.