vov_1_vpaw.jpg
Các địa danh ở vùng Tây Bắc vốn nổi tiếng có nhiều măng rừng như Mộc Châu (Sơn La); Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu (Yên Bái); Mai Châu (Hòa Bình; Bảo Yên, Sa Pa (Lào Cai)….
Ở vùng núi Tây Bắc có những loại măng vốn cứ đến mùa này lại nở rộ như măng trúc, măng mai, măng nứa, măng giang…Những loại măng này ưa tiết trời se lạnh, đất ẩm nên mọc lên tua tủa mỗi khi vào mùa. 
Vì măng mọc tận trên những đỉnh núi cao vút tầm mắt nên để hái được những đọt măng non, người vùng cao Tây Bắc phải hàng ngày lặn lội lên rừng để tìm măng. 
Công việc tuy khá vất vả nhưng vì sống dựa vào núi rừng nhiều nên mỗi khi rừng núi có những sản vật, đồng bào vùng cao không quản ngại khó khăn, mong kiếm thêm thu nhập. 
Ngọn măng sặt nhỏ chỉ bằng ngón tay cái nhưng bì dày và ngọn dài. Khi hái được ngọn măng giang, người ta bóc luôn tại chỗ và cho vào gùi hoặc dùng lạt nứa xâu thành từng xâu nhỏ móc vào dây tòng teng xuống núi để kịp chợ chiều. 
Măng được mang xuống phiên chợ chiều ngay dưới chân núi để bán cho người dân. Nếu bán không hết sẽ để đến chợ phiên hôm sau. 
Một khung cảnh lao động bình dị mà thơ mộng, gợi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. 
Mùa măng về, Tây Bắc có những món ăn đậm đà hương vị từ măng. Người vùng cao dùng măng để chế biến các món ăn như măng nướng, măng luộc, măng om vịt, măng kho cá, măng muối chua nấu thịt vịt, cá suối…
Lên Tây Bắc mùa này, đứng trên những đỉnh đèo nhìn ra phía xa xa, không gì khác là những đồi măng bạt ngàn, trùng điệp.