Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này, dòng khách du lịch ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngày một đông. Những chuyến tàu cao tốc Sa Kỳ- Lý Sơn luôn kín khách. Đến Lý Sơn những ngày này, du khách được chứng kiến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nghi lễ gắn với đội Hùng binh kiêm quản Bắc Hải có lịch sử cả trăm năm trước. Đây là một lễ thức dân gian được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm.

Đã ra với huyện đảo Lý Sơn, không thể không ghé thăm Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải, nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật được sưu tầm phục dựng gắn với đội hùng binh Hoàng Sa cách đây hơn 400 năm. Cuối buổi chiều, khi ánh nắng dần nhạt, từng đoàn khách khởi đầu chuyến tham quan đảo tại tượng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tham quan nhà trưng bày.

Anh Võ Thiện Hảo, du khách thành phố Hồ Chí Minh lần đầu ra đảo Lý Sơn cảm nhận: “Lý Sơn là hòn đảo rất phát triển, người dân nơi đây cũng rất thân thiện và đặc biệt là cảnh quan nơi đây cũng rất đẹp nên tôi quyết định chọn Lý Sơn làm địa điểm trong hành trình nghỉ dưỡng lần này. Và đoàn cũng hiểu biết thêm về cuộc sống của ngư dân, đặc biệt là ý nghĩa khi ngư dân bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Đảo Lý Sơn phong cảnh hoang sơ, có bãi biển đẹp, không khí trong lành. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều hiện vật liên quan đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khách được tham quan đỉnh núi Thới Lới, ngọn núi lửa cổ xưa hay đến với chùa hang, hang Câu, cổng Tò vò hoặc đi tham quan cánh đồng hành, tỏi đặc trưng của huyện đảo.

Năm ngoái, tổng lượt khách ra tham quan đảo đạt 170.000 lượt, trong đó gần 2.000 lượt khách quốc tế. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú tại Lý Sơn cũng được đầu tư, nâng cấp. Hiện, Lý Sơn có 130 cơ sở lưu trú, trong đó có 23 khách sạn, 47 nhà nghỉ và 55 homestay. Từ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đến nay, lượng khách đến Lý Sơn tăng cao. Ngày thường Lý Sơn đón từ 300 - 400 khách, dịp lễ này tăng lên gấp đôi,  gấp ba, cao điểm ngày 22/4 vừa qua, Lý Sơn đón hơn 1.000 lượt khách/ngày. 

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Việc phát triển du lịch phải gắn với quy hoạch không gian chung hướng tới Trung tâm du lịch biển đảo theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Trong việc phát triển du lịch, chúng tôi đang thực hiện quy hoạch để phát triển Lý Sơn thành điểm du lịch đảo. Địa phương thu hút các nhà đầu tư, tập trung rất nhiều vào cơ sở hạ tầng và nhất là các dịch vụ cao cấp, dịch vụ trung bình và các khu vui chơi giải trí phục vụ cho việc phát triển du lịch trên đảo. Quan điểm là mang tính chất hiện đại, tuy nhiên phải gắn kết với vẻ đẹp tự nhiên của huyện đảo. Khu nào khai thác dịch vụ, khu nào giữ nguyên để bảo tồn các danh lam thắng cảnh, lịch sử trên địa bàn huyện được thực hiện rất rõ ràng”, bà Hương chia sẻ.

 

Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ, phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là tiền đề quan trọng để các chuyên gia quy hoạch, thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi định hình phát triển du lịch Lý Sơn là phải gắn với các đặc sắc của Lý Sơn đó tính thiên nhiên và địa chất. Phải gắn với đặc trưng văn hóa của biển đảo, đặc biệt gắn với truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua nét văn hóa Hải đội Hoàng Sa, kết hợp với sự phát triển của nông nghiệp, đặc biệt là hành, tỏi. Giữ cho được đảo Lý Sơn xanh-sạch-đẹp”.