“Phát triển bền vững kinh tế ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh” là chủ đề của hội thảo khoa học do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hôm nay (13/9) tại thành phố Phan Thiết. Hội thảo thu hút đông đảo cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này.

vov_hoi_thao_kinh_te_binh_thuan_qloh.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo nên diễn đàn góp phần cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2015. Các bài tham luận trình bày tại hội thảo đã đi sâu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế biển của các địa phương, nhìn nhận những khó khăn và thách thức.

Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài hơn 3.260km. Diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán rộng gấp 3 lần lãnh thổ, với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.

Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Hồng Vân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, thời gian qua, chúng ta tập trung tuyên truyền một mặt về thế mạnh, nét đẹp tiềm năng của biển đảo, nhưng lại thiếu những thông tin nêu lên những mặt hạn chế cần được khắc phục của hiện trạng vùng biển nước ta, như: ô nhiễm môi trường, hiểm họa của rác thải đối với đại dương… Đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng, nói thật để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ biển Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế.

“Tôi đơn cử chuyện nhỏ như là rác. Nếu chuyện nhỏ rác mà chúng ta không chỉ rõ ra, thì người ta nghĩ tôi chỉ xả xuống một cái túi đâu là cái gì đâu. Nếu rác ngày càng nhiều như vậy sẽ tạo vấn nạn, và rồi đây bà con không còn bãi biển này để mà tắm nữa”, GS-TS Vân nhấn mạnh.

Các bài tham luận cũng nhìn nhận chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch ở một số địa phương ven biển trong vùng chưa cao, chưa chuyên nghiệp, chưa thật hấp dẫn du khách. Nhiều địa phương phát triển du lịch biển manh mún, nhỏ lẻ, ăn xổi ở thì. Do vậy, toàn vùng cũng như từng địa phương cần có một chiến lược ở tầm vĩ mô để phát triển bền vững du lịch biển gắn với đảm bảo cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đơn cử như câu chuyện Mũi Né, Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận. Cách đây hơn chục năm, nơi đây được mệnh danh là thủ đô resort, được đông đảo du khách quốc tế yêu thích. Nhưng nay, Mũi Né vẫn đang chững, không xứng tầm với tốc độ phát triển của cả nước.

“Ngày nay nếu không có sáng tạo, không có đổi mới thì sẽ đi vào con đường bế tắc, rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình. Cho nên đối với Bình Thuận phải có một con chim én đầu đàn để đầu tư lớn. Trên cơ sở đó, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bình Thuận. Có như vậy mới phát triển được du lịch của Bình Thuận”, ông Thọ cho hay.

Các đại biểu cũng mổ xẻ, phân tích cho thấy cơ chế chính sách phát triển kinh tế thủy sản còn bất cập, chưa thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển và vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật vùng biển, ven biển ở một số nơi còn ô nhiễm nặng.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển biển trong giai đoạn mới, chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các địa phương trong vùng cần có những giải pháp căn cơ để thực hiện chiến lược biển phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên lợi thế so sánh của vùng và địa phương./.