Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có diện tích hơn 4.100 ha thuộc các xã Bản Thi, Yên Thịnh, Xuân Lạc và Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Đây là khu vực được các nhà khoa học đánh giá cao về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học với 653 loài thực vật bậc cao, trong đó có 50 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, 9 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN.

Nam Xuân Lạc có khí hậu mát mẻ vào mùa hè nên đã được người Pháp xây dựng một số khu vực nghỉ dưỡng, đến nay vẫn còn dấu tích. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ nhiều chứng tích khai mỏ của thực dân Pháp từ hàng trăm năm trước và khu vực này cũng nằm trên trục kết nối du lịch ATK Chợ Đồn đến hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Dù được đánh giá cao về tiềm năng, nhưng đến nay Nam Xuân Lạc vẫn chưa được khai thác cho phát triển du lịch. Do đó, tháng 1/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, giai đoạn 2021-2030. Phạm vi thực hiện dự án trên địa bàn 3 xã vùng lõi khu bảo tồn gồm Bản Thi, Đồng Lạc và Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn.

Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và khai thác có hiệu quả tiềm năng các khu rừng đặc dụng trong việc phát triển kinh tế từ du lịch. Đề án đặt mục tiêu đến 2025 đến 2030 sẽ tăng trưởng du lịch mỗi năm 10% và đón từ 50%-70% lượng khách đến với Chợ Đồn.

Đề án đã xác định và xây dựng kế hoạch phát triển 4 điểm du lịch cùng 9 tuyến tham quan, khám phá, trải nghiệm… với dự toán kinh phí khoảng 336 tỉ đồng.

Ông Hà Sỹ Huân - Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết phần lớn kinh phí sẽ kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa và tỉnh Bắc Kạn sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư theo Đề án đã phê duyệt. “Thực hiện Đề án du lịch này chủ yếu là cho thuê dịch vụ môi trường rừng kết hợp bảo tồn, duy tu và phát huy giá trị đa dụng của rừng để nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân trong khu vực. Cho nên quan điểm là kinh phí sử dụng thực hiện Đề án chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Tỉnh cần thực hiện tốt công tác thông tin, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và dựa vào Đề án để thực hiện. Mục tiêu làm sao nâng cao giá trị của rừng và thu hút nhiều du khách biết đến Khu bảo tồn Nam Xuân Lạc”.