Suốt 2 năm bị đại dịch Covid-19 cắt đứt nguồn khách, các hướng dẫn viên phục vụ khách quốc tế đến (inbound) có lẽ là lực lượng “nhớ nghề” nhất. Phần lớn hướng dẫn viên inbound khó nhận tour nội địa, nên nhiều người tạm thời xoay chuyển sang công việc khác để chờ khách quốc tế quay lại.
Làm hướng dẫn viên tiếng Anh từ năm 2005, anh Nguyễn Ngọc Tú (Hà Nội) có thời điểm “đếm từng ngày” để được quay lại với công việc quen thuộc. Anh Tú cho biết tour cuối cùng trước khi thị trường đóng cửa là ngày 15/3/2020, khi dẫn đoàn khách Australia tham quan Cao Bằng và Bắc Kạn.
Sau 2 năm 10 ngày, anh Tú may mắn nhận liên tiếp hai đoàn khách quốc tế vào ngày 26 và 27/3 vừa qua. Các vị khách người Pháp và Đan Mạch đều có lần đầu tiên đến Việt Nam, vì vậy đã dành thời gian tham quan nhiều điểm đến nổi tiếng ở Hà Nội như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Lăng Bác, chùa Một Cột, Bảo tàng Dân tộc học, khu vực hồ Hoàn Kiếm và xem múa rối nước.
“Khách quốc tế ấn tượng với Bảo tàng Dân tộc học vì hệ thống hiện vật phong phú, độc đáo tại đây. Ngoài ra Văn Miếu, chương trình múa rối nước và các món ăn Việt Nam cũng khiến họ rất thích thú. Chuyến đi dù chỉ gói gọn trong nội thành Hà Nội nhưng khách đều vui vẻ và có nhiều trải nghiệm thú vị. Bản thân tôi cũng rất phấn khởi khi được quay lại với nghề sau thời gian dài, tính ra đã là 2 năm 10 ngày” - anh Nguyễn Ngọc Tú cho biết.
Đà Nẵng vừa đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại sau khoảng 2 năm gián đoạn. Đây là cơ hội để anh Cao Đăng Duy (Quảng Trị) – hướng dẫn viên tiếng Thái Lan trở lại công viên đã gắn bó từ năm 2012. Dịp này, anh Duy cùng những vị khách từ Thái Lan tới tham quan khu du lịch Bà Nà, phố cổ Hội An và khu vực Nam Hội An. Hôm qua (29/3), đoàn khách đã check-in các điểm đến nổi tiếng ở Hội An như chùa Cầu, cà phê Faifo, điểm bán nước mót Hội An…
Anh Cao Đăng Duy chia sẻ: “Trước dịch bệnh, có những tháng tôi phục vụ tới 7 đoàn khách Thái Lan nên rất bận rộn. Tuy nhiên sau đoàn khách hồi tháng 3/2020 thì tôi phải tạm dừng làm du lịch, chuyển sang bán hàng online để cầm cự. Được phục vụ đoàn Thái Lan lần này, tôi cảm thấy giống như lần đầu tiên dẫn tour, đó là cảm giác vừa vui, vừa hồi hộp xen lẫn háo hức”.
Theo anh Cao Đăng Duy, khách Thái Lan rất thích các điểm đến ở Đà Nẵng và Hội An, nhất là khu du lịch Bà Nà với Cầu Vàng hiện khá nổi tiếng tại Thái Lan. Trong khi đó Hội An là điểm nhấn chính trong tour du lịch vì có nhiều điểm check-in đẹp. Khách Thái Lan cũng cảm thấy dễ chịu vì cuộc sống tại Đà Nẵng và Hội An đã gần như trở lại bình thường, trong khi việc kiểm soát dịch bệnh ở Thái Lan vẫn còn nghiêm ngặt.
Tại TP.HCM, anh Huỳnh Duy Hiển cũng vừa đón đoàn khách quốc tế đầu tiên hôm 22/3. Những du khách lần này đến khá bất ngờ, họ chủ động liên hệ với anh Hiển qua email và yêu cầu tổ chức tour riêng cho gia đình. Bốn vị khách từ Vương quốc Anh đã đi trải nghiệm sông nước miền Tây, thưởng thức các món ăn địa phương trên thuyền và nghỉ đêm tại Cần Thơ.
Anh Huỳnh Duy Hiển chia sẻ, những vị khách người Anh rất ấn tượng với chợ nổi Cái Răng và phong cảnh hoang sơ tại miền Tây. Dù chỉ gặp gỡ trong 2 ngày nhưng cả khách và hướng dẫn viên đã có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Sau 2 năm phải chuyển sang lĩnh vực bất động sản, chuyến đi lần này khiến anh Hiển vô cùng xúc động; nhất là trong bối cảnh hiện nay không ít đồng nghiệp của anh đã phải bỏ nghề vì thời gian nghỉ quá lâu. Cá nhân anh Hiển cũng chỉ còn làm du lịch ở quy mô nhỏ.
Theo anh Nguyễn Ngọc Tú, hiện nay khách quốc tế chưa quay lại nhiều, hiếm có những đoàn lớn mà đa phần là khách lẻ. Vì vậy anh và nhiều hướng dẫn viên inbound chưa thể “toàn tâm toàn ý” quay lại với công việc chuyên môn, mà vẫn phải làm thêm những "nghề tay trái" như trong 2 năm dịch bệnh vừa qua. Thậm chí nhiều hướng dẫn viên inbound đã chuyển hẳn sang công việc khác.
Dù vậy, anh Tú vẫn tự rèn luyện ngoại ngữ tại nhà, thường xuyên kiểm tra thông tin tại các tuyến điểm và trao đổi với đồng nghiệp để cập nhật kiến thức du lịch. Việc Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn và các đường bay quốc tế dần nối lại vẫn mang đến hy vọng rất lớn cho các hướng dẫn viên inbound./.